Hiệu quả mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở Nam Sách

Thời gian qua, các mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở Nam Sách (Hải Dương) đã đạt kết quả tích cực, giúp lực lượng công an và chính quyền địa phương quản lý tốt các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Nhờ mô hình "Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng", anh Hồ Sỹ Quảng (người ngồi) đã có việc làm ổn định tại Công ty CP Nhựa An Phát Xanh

Nhờ mô hình "Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng", anh Hồ Sỹ Quảng (người ngồi) đã có việc làm ổn định tại Công ty CP Nhựa An Phát Xanh

Nhằm làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn, thời gian qua, Công an huyện Nam Sách đã tham mưu UBND huyện triển khai xây dựng 6 mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp lực lượng công an và chính quyền địa phương quản lý tốt các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Các mô hình cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho những trường hợp này thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, tránh được nguy cơ tái phạm tội.

Các mô hình được triển khai xây dựng dựa theo nội dung: 4+ về công tác quản lý, giám sát giáo dục đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; Hội Cựu chiến binh, MTTQ tham gia công tác quản lý, giám sát giáo dục đối với họ; Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Các mô hình đã quản lý gần 80 người trong diện chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hoặc đến đăng ký cư trú tại địa phương. Mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” đã hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ nhiều người có việc làm ổn định. Khi được giới thiệu đến doanh nghiệp, những người vừa chấp hành án xong đã đáp ứng được yêu cầu và được vào làm việc lâu dài. Điển hình như trường hợp của anh Hồ Sỹ Quảng, sinh năm 1975, quê ở TP Hạ Long (Quảng Ninh). Anh Quảng từng có nhiều tiền án, tiền sự, sau khi chấp hành xong án phạt tù đến đăng ký tạm trú tại địa bàn huyện Nam Sách. Anh đã được lực lượng công an và Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (cụm công nghiệp An Đồng, thị trấn Nam Sách) phối hợp hỗ trợ tạo điều kiện cho làm việc tại công ty. Sau thời gian thử việc, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, anh Quảng đã được nhận vào làm việc chính thức. Đến nay anh đã làm việc tại công ty được hơn 3 năm và có cuộc sống ổn định.

Nhận xét về anh Quảng trong quá trình làm việc tại công ty, ông Nguyễn Kim Dương, Giám đốc Nhà máy 6 thuộc Công ty CP Nhựa An Phát Xanh cho biết: Thời gian đầu nhận anh Quảng vào thử việc, ông không biết anh từng có quá khứ lỗi lầm. Ông thấy anh Quảng rất nhanh nhẹn, chịu khó, chấp hành nội quy tốt. Quá trình thử việc đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của công ty nên ông đã đồng ý nhận anh Quảng làm việc lâu dài.

Hiện nay, ngoài việc quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tìm kiếm việc làm, Công an huyện Nam Sách cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương rà soát, lập danh sách các trường hợp có nguyện vọng vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Từ đó đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội lập hồ sơ, giải ngân theo Quyết định số 22/2023/QĐ - TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Thượng tá Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng Công an huyện Nam Sách cho biết hiện trên địa bàn có gần 150 người trong diện cần thiết tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ các trường hợp này, để họ tiến bộ, có ý thức vươn lên trong cuộc sống, từ đó góp phần duy trì an ninh trật tự địa phương.

VĂN TÚ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hieu-qua-mo-hinh-tai-hoa-nhap-cong-dong-o-nam-sach-373395.html