Hiệu quả mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường ở Hạnh Sơn

Xác định người dân là chủ thể trong bảo vệ môi trường, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng và duy trì mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường. Sau gần 5 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần làm cho môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.

Các thành viên Tổ tự quản tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm nắp mương để mở rộng đường giao thông nông thôn.

Các thành viên Tổ tự quản tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm nắp mương để mở rộng đường giao thông nông thôn.

Đã thành thông lệ, đều đặn cứ mỗi tuần hai lần, các thành viên trong Tổ tự quản số 2 của thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ lại cùng nhau đảm nhận viện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tập trung cho bà con nhân dân trong thôn. Không ai bảo ai, mỗi người một việc để đảm bảo thời gian và tập kết rác thải đúng địa điểm quy định, góp phần giữ gìn cho cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh, ông Nguyễn Văn Lĩnh - người dân thôn An Sơn cho biết: "Trước đây, người dân đổ rác thải tự phát bừa bãi, rồi người dân nơi khác mang rác đến đổ trộm, hoặc tình trạng chất thải từ thôn khác theo dòng chảy của suối, chảy qua địa bàn thôn bản gây ô nhiễm môi trường sống. Nhưng từ khi có tổ tự quản môi trường sâu sát bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con chú trọng giữ vệ sinh chung, tôi và các hộ dân đã nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đổ rác theo giờ và đúng nơi quy định. Nhà nào ít thì một người, nhà nào đông thì vài người tham gia, tất cả đều nhiệt tình, trách nhiệm để làm cho đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp”.

Thôn An Sơn thuộc xã Hạnh Sơn nằm trong vùng đồng bằng Mường Lò, cách Trung tâm thị xã Nghĩa Lộ 4 km về phía Tây Nam. Thôn có 132 hộ với 484 nhân khẩu. Hiện nay bản An Sơn đang duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 tổ tự quản bảo vệ môi trường với mỗi tổ có từ 15 - 30 hộ gia đình tham gia.

Để các tổ tự quản hoạt động hiệu quả, thôn đã tổ chức tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, các cuộc họp thôn hay các cuộc họp của các chi hội với nội dung gìn giữ môi trường sống gắn với cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động. Nhờ đó các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường được thực hiện hiệu quả, từ đó hình thành nếp nghĩ, thói quen sống thân thiện với môi trường trong mỗi cán bộ, hội viên, nhân dân.

Bà Hà Thị Định - Tổ trưởng Tổ tự quản số 2 thôn An Sơn cho biết: "Mỗi gia đình đã chủ động tiết kiệm điện trong sinh hoạt, hạn chế sử dụng túi nilon, xây dựng chuồng trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, phân loại, thu gom và xử lý rác sinh hoạt đúng cách. Cùng với đó nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, trồng hoa cây cảnh, chỉnh trang tường rào cổng ngõ khang trang, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp".

"Đến nay, việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ hàng tháng đã đi vào nền nếp, nhận thức, trách nhiệm của người dân với môi trường sống tại khu dân cư đã nâng lên rõ rệt. Các tổ tự quản đã luôn đoàn kết, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, không có vấn đề bức xúc nào xảy ra trên địa bàn thôn phải xử lý vượt cấp; từ đó góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường và xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng xanh - sạch - đẹp” - bà Định kể.

Cùng với việc duy trì các tổ tự quản bảo vệ môi trường, thời gian qua, nhiều công trình, phần việc của các tổ chức đoàn thể đã phối hợp, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường rất hiệu quả, góp phần vào việc đảm bảo môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp tại địa phương.

Cùng với đó với tinh thần tương thân, tương ái tổ tự quản không chỉ thực hiện tốt việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc, phát triển đường hoa, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng... mà còn hỗ trợ ngày công, lao động giúp những hộ hội viên có gia cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tang gia, hiếu hỉ...

Đến nay, nội dung bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Theo bà Hà Thị Giang - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Sơn, để góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Ban Công tác Mặt trận thôn đã chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên xây dựng và duy trì tổ tự quản bảo vệ môi trường. Ở các ngõ, xóm, các tổ liên gia tự quản được hình thành và giao trách nhiệm cho các thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn phụ trách, tuyên truyền, vận động bà con cùng chung tay thực hiện.

"Thời gian đầu việc triển khai thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn, nhưng Ban Công tác Mặt trận thôn đã kiên trì vận động, tuyên truyền và gương mẫu đi đầu thực hiện, dần dần bà con hiểu được ý nghĩa và đồng lòng hưởng ứng. Đến nay, mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường đã được nhân dân trong thôn đồng tình, ủng hộ, góp phần đưa thôn An Sơn được giữ vững tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022 đến nay” - Bà Giang cho biết.

Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, thôn An Sơn đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên và toàn thể nhân dân, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thiết thực.

Từ giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đã góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thiết thực trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thu Trang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/326373/hieu-qua-mo-hinh-to-tu-quan-bao-ve-moi-truong-o-hanh-son.aspx