Hiệu quả mô hình trồng tre Đài Loan lấy măng

Mùa mưa sẽ là mùa tre cho thu hoạch măng nhiều nhất. Lúc này, thời tiết, khí hậu đều thuận lợi để măng sinh trưởng nên sản lượng cao. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, kỹ thuật riêng, anh Nguyễn Thanh Điền (ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) lại lựa chọn lấy măng nghịch mùa. Với cách làm này, vườn măng của anh Điền không bị ảnh hưởng bởi giá của thị trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế.

Mạnh dạn chọn cây trồng mới

Trước đây, được người quen cho một bầu tre giống gửi về từ Đài Loan, anh Điền mang trồng thử sau vườn. Lúc này, trong vườn đã có sẵn một vài bụi tre gai, tre Mạnh Tông… để theo dõi và so sánh sự phát triển của các giống tre. Theo anh Điền, đối với mô hình trồng tre lấy măng nhẹ công chăm sóc hơn rất nhiều loại cây trồng khác, đôi khi 10-15 ngày mới đi thăm vườn, cây tre vẫn phát triển tươi tốt. “Trước giờ, đối với các giống tre bản địa, thấy trời mưa là tre sẽ cho măng, còn vào mùa nắng thì ít khi ra được măng, dù người trồng có chăm sóc tốt. Tuy nhiên, giống tre được gửi về từ Đài Loan lại mọc măng đều đặn, mỗi mụt măng đều có trọng lượng từ 1,2-2kg, ăn có vị ngọt, giòn và không bị đắng” - anh Điền kể lại.

Từ đây, anh Điền bắt đầu ấp ủ ý tưởng phát triển mở rộng mô hình, từ việc tự ươm bầu, nhân giống mở rộng diện tích trồng lên 1.000m2. Sau đó, từ hiệu quả có được, vườn tre trồng lấy măng của anh Điền cứ tăng dần diện tích, đến nay đã được 13.000m2. Giống tre Đài Loan (còn gọi là tre tứ quý) là loại chuyên cho thu hoạch măng, hầu như có măng quanh năm. Tuy nhiên, trong năm, người trồng nên để tre nghỉ khoảng 3 tháng, dưỡng sức để bắt đầu mùa thu hoạch mới. Với diện tích 1.000m2, nông dân có thể trồng từ 40-50 bụi tre là thích hợp để tre phát triển.

“Với nông dân có diện tích đất ít có thể trồng nhiều bụi hơn (khoảng 100 bụi) trên cùng một diện tích, vì nếu được chăm sóc tốt thì chỉ từ 10-12 tháng sau khi trồng sẽ bắt đầu thu hoạch măng. Mỗi bụi tre có thể thu hoạch từ 30-50kg măng, bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, sau vài tháng có thể lấy lại nguồn vốn đầu tư ban đầu. Lúc này, bà con dọn bớt một số bụi, tạo không gian cho tre và măng nhanh phát triển hơn” - anh Điền chia sẻ kinh nghiệm.

Khi bắt tay phát triển mô hình trồng tre lấy măng, anh Điền chưa có nhiều kinh nghiệm, nên cứ trồng thử nghiệm từ diện tích ít rồi mở rộng dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, giống tre Đài Loan thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên nhanh bắt đất, bén rễ, phát triển tốt mà không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật canh tác. Định hướng ban đầu của anh Điền là thu hoạch măng nghịch mùa, nên việc đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, tre chỉ cần duy trì tưới 1lần/tuần. Còn ở những thời điểm măng hút giá, cần sản lượng nhiều, người trồng có thể tưới nước thường xuyên hơn, bón thêm phân, dọn dẹp cành, nhánh gọn gàng… giúp tre cho măng nhiều hơn.

Thành công nhờ lối đi riêng

Hiện nay, vườn măng của anh Điền cho thu hoạch mỗi ngày, trung bình từ 150-200kg, chủ yếu bỏ mối cho các tiểu thương ở các chợ của huyện Châu Thành đến TP. Long Xuyên. Theo anh Điền, thu hoạch măng nghịch mùa ít lo về giá cả và thường có khung giá cố định trong năm, không bị tình trạng “sáng lên, chiều xuống” như những loại cây trồng khác. Chẳng hạn, giá măng trong tháng 9, 10 khoảng 10.000 đồng/kg; tháng 11, 12 có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Còn thời điểm Tết đến khoảng tháng 1, 2, giá măng từ 20.000-25.000 đồng/kg; tháng 3, 4, 5 là 15.000 đồng/kg. Đến khi mưa nhiều, sản lượng măng ngoài thị trường tăng, từ măng Mạnh Tông, măng Điền Trúc… nên giá sẽ sụt giảm dần. “Đến khi măng có giá dưới 10.000 đồng/kg thì tôi ngưng thu hoạch khoảng 3 tháng. Thời điểm này, tôi cho măng lớn thành tre để dưỡng đủ sức, chuẩn bị cho một mùa măng mới vào những tháng tiếp theo” - anh Điền giải thích.

Việc nhân giống tre cũng không quá khó, có thể chặt nhánh rồi ươm như thông thường. Tuy nhiên, mỗi người trồng sẽ có kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Hiện tại, ngoài thị trường, mỗi bầu tre giống được bán với giá 30.000-50.000 đồng, tuy nhiên anh Điền muốn tập trung vào chăm sóc, thu hoạch măng vì lợi nhuận nhiều hơn. Để bán được giá, người trồng chỉ nên thu hoạch măng khi có trọng lượng trung bình từ 1,2-2kg. Măng tre Đài Loan không bị cứng như nhiều giống măng tre khác, chỉ cần cắt nhẹ là được. Tuy nhiên, việc thu hoạch măng đòi hỏi nhiều kỹ thuật cần phải lưu ý, nếu không muốn bị ảnh hưởng đến sự phát triển của tre và măng sau này.

Anh Điền lưu ý: “Vì là hàng bán cho tiểu thương ở chợ, nên nếu cắt măng bị già thì ra chợ rất khó bán, còn cắt khi quá non dễ bị hư tre. Đối với giống tre này, măng được mọc từ những gốc măng đã được cắt, do vậy khi thu hoạch phải chừa lại những “mắt tre” thì măng mới tiếp tục mọc ra được. Vì có thể xung quanh mụt măng đã cắt có thể mọc ra thêm từ 5-6 mụt măng mới”.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-qua-mo-hinh-trong-tre-dai-loan-lay-mang-a337342.html