Hiệu quả mô hình vỗ béo bò thịt

Góp phần khắc phục tập quán chăn nuôi gia súc lạc hậu, những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập mà còn trang bị kiến thức để phát triển chăn nuôi cho người dân miền núi.

Mô hình vỗ béo bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Lê Duy Phúc ở xóm Đồng Đậu, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình.

Mô hình vỗ béo bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Lê Duy Phúc ở xóm Đồng Đậu, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình.

NDĐT - Góp phần khắc phục tập quán chăn nuôi gia súc lạc hậu, những năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập mà còn trang bị kiến thức để phát triển chăn nuôi cho người dân miền núi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh ở xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, có chín con bò gày, già, được chọn để thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt. Anh Thịnh cho biết: “Khi thực hiện mô hình, tôi được tập huấn cải tạo chuồng trại; kỹ thuật phối trộn, chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc; kỹ thuật vỗ béo bò; phương pháp phòng, trị một số bệnh thường xảy ra, được hỗ trợ thuốc thú y tẩy giun, sán, tẩy ngoại ký sinh trùng và được hỗ trợ 50% thức ăn tinh là 1,5 kg con/ngày”.

Sau ba tháng, anh Thịnh thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt, trọng lượng bình quân mỗi con bò tăng gần 70 kg, tăng hơn hai lần so với các hộ không thực hiện mô hình, tiền lãi mang lại gần ba triệu đồng/con.

Anh Nguyễn Văn Tiến ở xóm Hồng Mai 2, xã Tân Khánh mua ba con bò, mỗi con có trọng lượng khoảng 90 kg với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Thực hiện mô hình vỗ béo bò, anh Tiến tẩy giun, sán lá gan, tẩy ngoại ký sinh trùng cho bò, cải tạo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thực hiện nuôi nhốt, cho bò ăn thức ăn hỗn hợp, sau ba tháng trọng lượng mỗi con bò lên đến 160-170 kg, bán ba con bò thu được gần 90 triệu đồng.

Anh Tiến chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi theo lối tự nhiên, không tẩy giun, sán, hằng ngày lùa bò tự đi kiếm ăn nên chậm lớn. Thực hiện mô hình, chuồng trại, cơ thể bò được vệ sinh thú y, nuôi nhốt, cho ăn thức hỗn hợp nên con nào cũng óng mượt, béo tốt, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên vừa tổng kết mô hình vỗ béo bò thịt ở hai xã Tân Khánh và Tân Hòa, huyện Phú Bình với 70 hộ tham gia, nuôi tổng số 205 con bò. Sau ba tháng thực hiện mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đánh giá có hiệu quả thiết thực, triển vọng nhân rộng là rất lớn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên Lê Cẩm Long cho biết: Mô hình giúp người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo khoa học, chăn nuôi thâm canh, tiết kiệm lao động và thời gian chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế tăng lên. Cụ thể là tăng trọng bình quân mỗi con bò gấp hơn hai lần so với chăn nuôi truyền thống, tiền lãi mang lại là gần ba triệu đồng/con sau ba tháng vỗ béo. Do vậy, sẽ khắc phục tập quán chăn nuôi lạc hậu, áp dụng phương thức chăn nuôi thâm canh, chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng nuôi động vật ăn cỏ trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hiện nay”.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt tại các xã miền núi ở các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, đây là những địa phương có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc với tổng số hơn 400 hộ tham gia. Ở những xã đã thực hiện mô hình, việc nuôi bò vỗ béo, nuôi nhốt bắt đầu được nhân rộng, góp phần khắc phục ô nhiễm tại khu vực chuồng trại, làm thay đổi diện mạo chăn nuôi gia súc ở địa phương.

Tuy nhiên, để mô hình vỗ béo bò thịt mang lại hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tuân thủ quy trình chăn nuôi, người dân cần cải tạo chất lượng giống bò địa phương, khuyến khích nhân giống lai để nâng tầm vóc, sản lượng thịt.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41636602-hieu-qua-mo-hinh-vo-beo-bo-thit.html