Hiệu quả mô hình 'Xứ đạo bình yên – gia đình văn hóa' ở huyện Nga Sơn
Huyện Nga Sơn có hơn 26.000 giáo dân, sinh sống trên địa bàn 12 xã, thị trấn, thuộc 64 giáo họ, sinh hoạt tín ngưỡng ở 11 giáo xứ. Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đồng bào công giáo trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở, ở nhiều địa phương huyện Nga Sơn đã xây dựng thành công mô hình 'Xứ đạo bình yên – gia đình văn hóa'.
Diện mạo mới của xã Nga Thái hôm nay.
Xã Nga Điền có 8.312 nhân khẩu, trong đó, đồng bào công giáo chiếm khoảng 76%, sinh sống tại 6/8 khu dân cư. Xác định công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với việc giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, năm 2014, xã Nga Điền phối hợp với các hội đồng giáo xứ thành lập mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” tại 2 giáo xứ Điền Hộ và Phước Nam. Ngay sau lễ ra mắt, MTTQ, các đoàn thể, các giáo xứ, giáo họ và các khu dân cư đã tập trung tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, mục đích của mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” đến các khu dân cư, 9 giáo họ và Nhân dân trên địa bàn xã. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà 100% hộ dân trong xã đã ký cam kết tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT. Đến nay, 8 khu dân cư, 9 giáo họ duy trì bảo đảm ANTT, không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Thông qua mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, các tầng lớp Nhân dân trong xã đã cung cấp khoảng 60 nguồn tin có giá trị cho cơ quan chức năng, kịp thời xử lý 45 vụ việc. Trong đó, có 38 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân đã được tổ chức hòa giải thành công tại cơ sở. Kể từ khi có mô hình “Xứ đạo bình yên – gia đình văn hóa” số vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn xã đã giảm về số lượng và tính chất, mức độ theo từng năm, góp phần đắc lực vào sự phát triển đi lên của địa phương.
Học tập kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, năm 2018, xã Nga Liên đã xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở 2 giáo xứ Tam Tổng và Phúc Lạc. Toàn xã có khoảng 9.220 nhân khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm tới 93,7%, thuộc 18 giáo họ. Để huy động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, tố giác tội phạm, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn đã phối hợp với các chức sắc, chức việc, những người có uy tín trong giáo xứ, giáo họ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo thực hiện tốt đường hướng của giáo hội “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, sống “Tốt đời đẹp đạo”, chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của làng văn hóa. Qua hơn 2 năm triển khai mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, 100% khu dân cư và 18/18 giáo họ ở xã Nga Liên đã duy trì bảo đảm tốt công tác giữ gìn ANTT, tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế. Hiệu quả của mô hình góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của xã tính đến cuối năm 2019 đạt 43,2 triệu đồng, tăng 8,2 triệu đồng so với năm 2018.
Đến nay, trên địa bàn huyện Nga Sơn có 6/11 giáo xứ đã xây dựng thành công mô hình “Xứ đạo bình yên – gia đình văn hóa”, gồm: Điền Hộ, Phước Nam, Mông Ân thuộc xã Nga Điền; Liên Nghĩa thuộc xã Nga Thái; Tam Tổng, Phúc Lạc thuộc xã Nga Liên. Theo đánh giá của huyện, mô hình “Xứ đạo bình yên – gia đình văn hóa” ở 6 giáo xứ đã phát huy hiệu quả hoạt động bằng việc giúp cấp ủy, chính quyền các xã nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình Nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá để nhân rộng mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ra nhiều xã khác trên địa bàn.