Hiệu quả nghề nuôi cá lồng
PTĐT - Tỉnh ta có lợi thế nhiều sông ngòi, ao hồ thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng với những loại có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, sông Bứa gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng với sự nỗ lực vượt khó, các hộ đã tìm cách giữ nghề để phát triển kinh tế.
Huyện Thanh Thủy là địa phương nằm dọc theo sông Đà thuận lợi về nguồn nước nên nghề cá lồng khá phát triển với khoảng 350 - 400 lồng tập trung ở các xã Xuân Lộc, Bảo Yên, Đồng Luận, Đoan Hạ. Xuân Lộc là địa phương có nghề nuôi cá lồng từ nhiều năm nay, thế nhưng trước hoạt động xả lũ vào năm 2016, 2017 và mới đây nhất hồi tháng 5/2019, nhiều hộ nuôi cá lồng lại điêu đứng với tình trạng mực nước sông xuống thấp. Các hộ phải “cứu cá” thả vào các bể, ao hồ nhưng vẫn thiệt hại đáng kể. Để duy trì nghề, người dân ở Xuân Lộc cũng như các xã trên địa bàn huyện được các cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cứu cá khi gặp sự cố; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu giống, kích thước con giống để hạn chế thiệt hại do thiên tai. Gia đình ông Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản như: Cá nheo Mỹ, tầm, quất... với kích thước nhỏ để tiết kiệm chi phí tiền giống với thời gian nuôi từ 12 - 18 tháng cho giá trị kinh tế cao nhưng lại có nhược điểm dễ chết, khả năng chống chịu kém khi có lũ nên độ rủi ro cao. Sau khi tìm hiểu, tôi đã chuyển sang nuôi cá trắm, chép, diêu hồng có kích thước lớn, trọng lượng con giống từ 0,7 - 1kg để rút ngắn thời gian nuôi và thu hoạch trước mùa mưa bão”. Nếu như các hộ dân ở Thanh Thủy thực hiện các giải pháp thay đổi cơ cấu giống, thời gian nuôi và kích thước con giống để bám nghề thì các hộ dân nuôi cá lồng ở xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn lại chọn cách thay đổi môi trường nuôi. Trước đây, các hộ dân ở HTX cá lồng Thanh Sơn từng nuôi cá trên sông Bứa ở xã Xuân Quang, huyện Tam Nông; sông Đà ở xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy nhưng đều bấp bênh. Các thành viên HTX đã nghiên cứu và lựa chọn đập Suối Cái ở xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn làm nơi gây dựng lại và phát triển sản xuất. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá tại địa điểm mới, anh Phạm Trần Đông, xã Giáp Lai cho biết: “Đập Suối Cái có diện tích rộng, nguồn nước sạch, tuy không có dòng chảy nên cá chậm lớn hơn so với nuôi ngoài sông nhưng lại nuôi rất an toàn, không lo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, việc đi lại và chăm sóc cũng thuận tiện hơn”. Hiện nay, 9 hộ đã góp vốn đầu tư lồng bè, con giống, thức ăn để duy trì ổn định 18 lồng nuôi với 2 loại cá chủ lực là cá lăng và cá chép giòn. Gần 2 năm nay, từ khi chuyển đổi môi trường nuôi, trung bình mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường gần 3 tấn cá. Sự nỗ lực của những người có chung niềm đam mê đã đưa nghề nuôi cá lồng trở thành “kế sinh nhai” của nhiều gia đình. Sản phẩm khi xuất bán được các thương lái ở các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn ở Việt Trì, Thanh Thủy, Thanh Sơn và một số tỉnh thành, lân cận ở Hà Nội, Yên Bái… đặt mua. Thời điểm này, các loại cá có giá bán dao động như: Cá chép giòn 130.000 - 150.000 đồng/kg; cá lăng 90.000 - 120.000; cá trắm 60.000 - 80.000 đồng/kg; cá diêu hồng 45.000 - 50.000… Để nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ phát huy được hiệu quả kinh tế, cán bộ Chi cục thủy sản cũng như ở các huyện, thành thị đã hướng dẫn các hộ nuôi theo quy trình an toàn, sử dụng các loại thức ăn có trong danh mục cho phép; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống từ các loại cá truyền thống sang nuôi giống thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao; tăng cường sự liên kết tạo thành hợp tác xã, các nhóm, tổ sản xuất để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi; đồng thời, tạo vùng sản xuất quy mô lớn để tiết kiệm chi phí nguồn vật tư đầu vào và tăng tính ổn định đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/hieu-qua-nghe-nuoi-ca-long-166055