Hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù
Để công tác tái hòa nhập cộng đồng thực sự có hiệu quả, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho những người sau khi mãn hạn tù trở về địa phương tiếp cận được nguồn vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (QĐ22). Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, bước đầu nhiều người sau khi thụ án xong về địa phương đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao mức thu nhập.
Triển khai QĐ22, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam đã giải ngân 100 triệu đồng cho anh Đinh Văn L. (ở phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý) vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Anh L. thuộc đối tượng chấp hành xong án phạt tù, được ngân hàng giải quyết cho vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Để giúp anh tái hòa nhập cộng đồng, nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH phối hợp với Công an phường, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến nhà, tìm hiểu nhu cầu sản xuất của gia đình, hướng dẫn anh sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Có vốn, vợ chồng anh L. đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất đồ gỗ, đầu tư trang thiết bị máy móc, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, giúp bản thân xóa bỏ tự ti, mặc cảm, từng bước vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng. Sau gần một năm, anh L. đã sử dụng hiệu quả vốn vay, duy trì việc làm ổn định cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Cũng như anh L., tính đến ngày 7/9/2024 Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam đã giải ngân cho 72 khách hàng vay 6 tỷ 560 triệu đồng theo QĐ22. Các hộ gia đình được vay vốn đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt góp phần cải thiện cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như gia đình anh Trần Văn T. ở xã Phú Phúc, Lý Nhân vay vốn để mở rộng mô hình nuôi lợn thịt và nuôi ốc nhồi; anh Trần Văn M. cùng ở Lý Nhân vay số tiền 100 triệu đồng mở rộng xưởng may lên 10-15 máy, tạo thêm việc làm cho bản thân và lao động quanh vùng.
Theo QĐ22, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, tại Điều 14 của QĐ 22, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại quyết định này; chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa đối với người chấp hành xong án phạt tù là 100 triệu đồng/người; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Những người được vay vốn đều đã chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH. Thông qua nguồn vốn vay, không chỉ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hoàn lương, thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng, mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam chỉ đạo các phòng giao dịch tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này.