Hiệu quả phát triển rừng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp ở Nghệ An
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên rừng mang lại. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, quản lý, bảo vệ, quy hoạch rừng bền vững và phát triển rừng nguyên liệu một cách phù hợp và đúng hướng.
Có nhiều lợi thế
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha (bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng), tính đến năm 2022, độ che phủ rừng đạt 58,36%, trữ lượng gỗ khoảng 91 triệu m3, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3, chưa kể hàng nghìn tấn dược liệu, lâm sản khác ngoài gỗ.
Đến nay, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,93%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD, trồng rừng tập trung đạt 20.500ha, gỗ khai thác đạt 1,6 triệu m3.
Đối với rừng trồng nguyên liệu gỗ, theo số liệu cập nhật diễn biến rừng năm 2022 của UBND tỉnh Nghệ An được công bố tại Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 03/3/2023, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh là 224.141,09 ha, trong đó, rừng trồng đã thành rừng là 172.296,52 ha, chiếm 76,87%, diện tích rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 51.844,57ha, chiếm 23,13%.
Rừng trồng của tỉnh Nghệ An khá đa dạng, với khoảng 17 loài cây trồng như: Keo, Bạch Đàn, Lát Hoa, Thông, Mỡ, Bồ Đề, Mét, Giổi, Quế,… Trong đó, cây phục vụ nguyên liệu gỗ chiếm tỷ lệ lớn với trên 84%, cây lấy nhựa (thông) chiếm 7,5%, còn lại các loài cây trồng khác. Toàn tỉnh đã tạo được hơn 38,2 triệu cây giống các loại trong năm 2023 ( chủ yếu cây Keo và Bạch Đàn).
Diện tích các loại rừng trồng nguyên liệu chính phục vụ cho sản xuất chế biến gỗ toàn tỉnh là 188.332,59 ha/224.141,09 ha rừng trồng. Trong đó, Keo là 178.885,85 ha, chiếm 79,8 % diện tích rừng nguyên liệu toàn tỉnh; Bạch đàn 9.146,63 ha, chiếm 4,08% diện tích. Đây là 2 loài chính đóng góp vào nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng của tỉnh Nghệ An. Trữ lượng các loài cây nguyên liệu gỗ chính trên địa bàn tỉnh là 7.097.761,24 m3.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 15.614,17 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (rừng trồng 14.775,37 ha, rừng tự nhiên 838,90 ha). Hiện tại đang triển khai đánh giá 10.570 ha tại các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương,
Từ nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, Nghệ An có 47 doanh nghiệp chế biến gỗ, gần 10 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, ngoài ra còn có hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, có hai dự án sản xuất gỗ quy mô lớn với công nghệ hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, đó là Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn giai đoạn 1 gồm dây chuyền gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền sản xuất ván MDF công suất 130.000 m3/năm, dự án đi vào hoạt động từ 2016. Cùng với đó là một số nhà máy viên nén sinh khối có công suất lớn như: DKC, Biomass Fuel Việt Nam,…
Công nghệ chế biến gỗ ở Nghệ An cũng đa dạng về loại hình, từ chế biến thô đến chế bến sản phẩm trung gian và sản phẩm chuyên sâu nội ngoại thất. Những năm qua với yêu cầu thị trường và sự phát triển công nghệ, các doanh nghiệp chế biến gỗ đã cải tiến công nghệ, theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị hiệu quả sản xuất và an toàn môi trường.
Chính sách sát thực
Để phát huy tối đa lợi thế từ rừng, tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung trọng điểm được hướng đến trong kế hoạch là phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm.
Trong đó, khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, triển khai trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu dưới tán rừng nhằm mang lại thu nhập cho người dân; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thống nhất, liên tục; thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu; khuyến khích phát triển các vật liệu mới thay thế gỗ, kết hợp gỗ nhựa, gỗ kim loại; tăng cường năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Với lợi thế từ rừng và chiến lược phát triển rừng bài bản, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021. Đây là một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước, tạo thế mạnh để Nghệ An bứt phá về phát triển kinh tế rừng.
Thời gian qua, nhiều ứng dụng công nghệ trong thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã được chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm từ rừng.
Để có được những thành quả trên, ngoài sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền địa phương thì có vai trò rất lớn của ngành Nông nghiệp Nghệ An. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn gắn với thực hiện quản lý rừng bền vững; tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản; tích cực trong công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp chế biến lâm sản.
Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển việc trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý và phát triển rừng bền vững, đẩy mạnh việc phát triển rừng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến vào các khu chế biến lâm sản. Ngoài ra, việc tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản cũng sẽ được khuyến khích, đi cùng với đó là nghiên cứu trồng cây thâm canh và dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất rừng”.