Hiệu quả phòng, chống tệ nạn mại dâm ở Lâm Đồng

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông, đẩy mạnh kiểm tra xử lý vi phạm, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ… nên công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm (PCMD) trên địa bàn Lâm Đồng đạt nhiều kết quả tích cực.

Hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm quy định về PCMD. (Ảnh: Trịnh Ninh)

Hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm quy định về PCMD. (Ảnh: Trịnh Ninh)

Chú trọng tuyên truyền, phòng ngừa

Theo Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 3.091 cơ sở lưu trú; 236 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 647 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH).

Người bán dâm chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng môi trường internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm, thực hiện mua bán dâm tại nhà nghỉ, khách sạn.

Một số vụ việc có sự tham gia của đối tượng môi giới, chứa mại dâm với vai trò trung gian giới thiệu người bán dâm, thỏa thuận giá cả, thời gian, địa điểm, hoạt động. Gần đây tại một số địa bàn ở Lâm Đồng nổi lên các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà hàng, karaoke, massage phục vụ khách du lịch người nước ngoài nghi vấn hoạt động mại dâm với thủ đoạn tinh vi.

Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ các giải pháp PCMD; nên tệ nạn mại dâm cơ bản được kiểm soát tốt.

Sở đã đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về PCMD: In, chuyển phát cho các địa phương 57.000 sổ tay, tờ gấp truyền thông lĩnh vực PCMD và ma túy. Tổ chức báo cáo các nội dung tập huấn, phổ biến giáo dục về PCMD và ma túy cho khoảng 370 người là công chức cấp huyện, xã làm công tác dân tộc; bí thư, trưởng thôn, người làm công tác đoàn thể ở thôn, người có uy tín tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

36 Đội công tác xã hội tình nguyện đã tuyên truyền về công tác phòng, chống TNXH cho hàng trăm lượt người; tiếp cận, tư vấn, vận động cho 15 người bán dâm, người bị nhiễm HIV tại cộng đồng; phát 1.000 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng về PCMD.

Sở triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa thông qua công tác phối hợp địa phương, cơ sở để thường xuyên rà soát, nắm tình hình, đánh giá thực trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ, loại hình kinh doanh, số lượng nhân viên, lao động là tiếp viên, nhân viên phục vụ là nữ, biểu hiện nghi vấn liên quan hoạt động mại dâm; qua đó đề xuất thực hiện các giải pháp cụ thể.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm cũng được tỉnh triển khai quyết liệt. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội 178) đã kiểm tra 56 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH (cấp tỉnh kiểm tra 21 có cơ sở, cấp huyện 35 cơ sở).

Qua kiểm tra, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền xử phạt 2 cơ sở với số tiền 37,5 triệu đồng, tạm ngưng hoạt động 2 cơ sở; yêu cầu tất cả các cơ sở cam kết không vi phạm về TNXH. Lực lượng chức năng đã điều tra, đấu tranh triệt phá 2 tụ điểm hoạt động mại dâm, khởi tố 2 vụ việc với 4 bị can về hành vi chứa mại dâm; phạt hành chính 4 người bán dâm, 4 người mua dâm.

Sở LĐ-TB&XH cũng thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng nắm tình hình những hành vi lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy, lợi dụng mạng internet để hoạt động mại dâm; lập danh sách và quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNXH, dễ bị lợi dụng hoặc có nghi vấn hoạt động mại dâm để chủ động biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; tăng cường công tác quản lý cư trú, công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở không ngừng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên thực hiện PCMD. Sở đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống TNXH cho 355 người là công chức phụ trách lĩnh vực phòng, chống TNXH cấp huyện, xã và thành viên của 36 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Nội dung tập huấn về thủ đoạn của tội phạm mại dâm; kỹ năng tuyên truyền, tiếp cận, tư vấn, vận động; công tác quản lý ca, quản lý trường hợp; công tác xã hội trong hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng…

Sở LĐ-TB&XH cho biết thường xuyên chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH, Đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp cơ sở y tế có nhóm đồng đẳng HIV là người bán dâm để tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại, hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS ra cộng đồng như: Cung cấp bao cao su miễn phí, phát bơm kim tiêm sạch, xét nghiệm HIV cho người bán dâm, người có nguy cơ cao và nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Thông qua nhóm đồng đẳng, tình nguyện viên, nhiều người được tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, nghề nghiệp, việc làm, dịch vụ về y tế, xã hội, pháp lý; từng bước hòa nhập cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã phối hợp, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV cho 124 lượt người bán dâm.

Trịnh Ninh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hieu-qua-phong-chong-te-nan-mai-dam-o-lam-dong-post521396.html