Hiệu quả quản lý chất thải nông nghiệp được nâng lên

Với cách làm thiết thực, mô hình hiệu quả,... được các ngành chức năng phối hợp địa phương tổ chức thực hiện, góp phần thay đổi nhận thức, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nông nghiệp (CTNN) phát sinh từ hoạt động sản xuất của người dân.

Hiện nay, CTNN phát sinh từ hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn, chủ yếu được chia làm 2 loại: Phụ phẩm nông nghiệp và chất thải nguy hại từ nông nghiệp. Trong đó, phụ phẩm nông nghiệp là chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Các phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ chủ yếu là vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, cùi ngô, bẹ ngô, xơ dừa, rơm, rạ,... Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ (rơm, rạ, tro, trấu, vỏ củ, quả,...) khoảng 150.000 tấn/năm (số liệu năm 2023).

Lượng phụ phẩm này được tận dụng một phần để làm phân bón, chất đốt; một số được chôn lấp, đốt bỏ do đặc thù sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn mang tính nhỏ, lẻ, phân tán nên việc thu gom, phân loại và tái chế còn nhiều khó khăn. Phương pháp xử lý các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, vỏ hạt điều,... chủ yếu là đốt bỏ rồi dùng tro bón ruộng. Tuy nhiên, cách làm này vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường do khói bụi và các nguy cơ cháy, nổ.

Đồng thời, rơm rạ được người dân quấn thành cuộn bán lại cho các hộ chăn nuôi gia súc, góp phần tăng thu nhập và giảm dần biện pháp đốt lấy tro. Đây là giải pháp vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường được ngành chức năng, địa phương khuyến khích thực hiện.

Chất thải nguy hại từ nông nghiệp bao gồm chất thải từ bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thường bị vứt bừa bãi tại ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường hợp còn vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt. Thời gian qua, công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện. Việc triển khai này đã bước đầu hạn chế ảnh hưởng tác hại của hóa chất BVTV tồn lưu trong bao bì tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Ngành chức năng, địa phương tổ chức mô hình, cách làm hiệu quả trong quản lý chất thải nông nghiệp (Trong ảnh: Người dân huyện Tân Trụ tự giác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật về đúng nơi quy định)

Huyện Tân Trụ là địa phương tiên phong trong triển khai mô hình hồ chứa, thu gom bao bì thuốc BVTV, chất thải nguy hại từ nông nghiệp, bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực, thay đổi nhận thức của nông dân, giảm bớt tác động đến môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Hằng (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ), việc vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng trên cánh đồng đã thành thói quen. Khi địa phương triển khai mô hình hồ chứa, hố thu gom bao bì, người dân hưởng ứng, tham gia tích cực và bỏ đúng vị trí trên đồng. Trong canh tác, người dân hạn chế dần thuốc BVTV, sau vụ mùa cũng không còn đốt rơm rạ như trước mà thu gom lại để bán.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Trụ - Đặng Minh Tân, quản lý CTNN của huyện được thực hiện bằng nhiều cách làm, mô hình thiết thực. Huyện triển khai hố, hồ chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV cũng được hơn 5 năm. Hiệu quả rất rõ ràng, nâng cao được nhận thức và thay đổi thói quen của người dân, tạo diện mạo mới cho các cánh đồng, hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch để tránh các nguy cơ, thay vào đó tận dụng đem bán lại cho những nơi có nhu cầu hoặc gom, ủ làm phân bón;... Thời gian tới, huyện triển khai thêm các mô hình phù hợp với thực tế để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý CTNN./.

Long An tăng cường công tác quản lý chất thải y tế

Bộ Y tế có công văn số 10869/BYT-MT về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế.

Châu Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-quan-ly-chat-thai-nong-nghiep-duoc-nang-len-a179616.html