Hiệu quả Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển

Sau 5 năm thành lập và hoạt động Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã có 415 thành viên thoát nghèo trên tổng số 2.945 thành viên tham gia nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD) thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và có vị trí ngày càng bình đẳng hơn trong gia đình.

Đàn lợn của bà Thương Thị Yết, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).

Đàn lợn của bà Thương Thị Yết, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).

Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, Nguyễn Thị Kiều Yên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) tỉnh, cho biết: “Quỹ được thành lập từ năm 2016, là một Tiểu hợp phần trong Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang; với mục tiêu nâng cao hiệu quả dịch vụ tài chính nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, thông qua việc thực hiện hoạt động TKTD, ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khó khăn dễ bị tổn thương tại các vùng nông thôn, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh”. Quỹ được triển khai thực hiện tại 5 huyện, 30 xã vùng dự án đã thành lập được 366 nhóm TKTD, với tổng số 4.350 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tham gia. Hiện, có 2.010 thành viên đang vay vốn của Quỹ với số tiền 22.566 triệu đồng. Trong đó, huyện Vị Xuyên có dư nợ cao nhất là 5.758 triệu đồng; sau đó đến huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Từ khi tham gia vào nhóm TKTD, nhiều phụ nữ đã có thói quen tiết kiệm những khoản tiền nhỏ để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bắt đầu tham gia nhóm TKTD từ cuối năm 2016, bà Thương Thị Yết (sinh 1959), dân tộc Tày, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đã mạnh dạn vay 4 triệu đồng để mua giống lợn đen về nuôi. Đến nay, luôn duy trì đàn lợn 28 con; mỗi năm cho xuất chuồng 2 lứa lợn. Nhận thấy những lợi ích có được từ việc tham gia nhóm và hiệu quả sử dụng vốn; năm 2018, sau khi trả gốc chu kỳ 1, bà Yết tiếp tục vay 10 triệu đồng từ Quỹ. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà chia nhỏ nguồn vốn, một phần mua lợn nái, một phần mua vịt, cá giống để đa dạng các sản phẩm chăn nuôi, tránh rủi ro và đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình; ước thu nhập trung bình của gia đình bà khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sau khi kết thúc chu kỳ 2, bà mong muốn tiếp tục được vay vốn với mức cao hơn để mở rộng quy mô sản xuất.

Qua đánh giá, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, dù số tiền vốn vay nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn. Chị Nguyễn Thị Vần, Tổ trưởng Nhóm TKTD thôn Mịch A, cho biết: “Nhóm TKTD của thôn có 67 thành viên tham gia, vay vốn lên đến 670 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gà, vịt, lợn, trâu, bò… Mặc dù vốn vay chỉ từ 4 – 10 triệu đồng, nhưng chị em đã phát huy được hiệu quả, làm ăn có lãi và tiếp tục nhân rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi của gia đình”.

Bên cạnh việc cho vay vốn, Quỹ còn thành lập được 355 nhóm huy động tiết kiệm với 3.729 thành viên tham gia nộp tiết kiệm; đến nay, số dư tiền tiết kiệm thu được là 1.379 triệu đồng. Với mức đóng tiết kiệm tối thiểu 20.000 đồng/người/tháng. Tham gia nhóm TKTD, các chị em không chỉ được vay vốn mà còn được tham gia các khóa đào tạo do Quỹ tổ chức, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, học hỏi lẫn nhau cách chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình cùng các hoạt động xã hội… Từ đó, các hội viên trở nên gắn kết hơn, mạnh dạn hơn và có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; có động lực và chủ động trong việc phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đóng góp vào công tác bình đẳng giới, giúp phụ nữ bớt tự ti, không còn bị phụ thuộc về mặt tài chính.

Bài, ảnh: Lê Hải

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202004/hieu-qua-quy-ho-tro-phu-nu-phat-trien-757878/