Hiệu quả sau hơn 2 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sau hơn 2 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã đem lại những hiệu quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của tòa án mà rất nhiều đương sự còn lựa chọn phương án hòa giải để giải quyết đơn khởi kiện của mình.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án mang lại nhiều lợi ích

Hòa giải, đối thoại tại tòa án là chế định mới được pháp luật quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hòa giải, đối thoại tại tòa mang lại rất nhiều lợi ích, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Hòa giải viên Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: CHÍ BẢO

Hòa giải viên Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: CHÍ BẢO

Khi lựa chọn hòa giải, đối thoại tại tòa án, các bên có quyền lựa chọn hòa giải viên cho vụ việc của mình; các bên có thể chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải, đối thoại phù hợp; việc hòa giải, đối thoại được tiến hành nhanh chóng và dành quyền chủ động cho các bên; bảo mật thông tin cho các bên. Hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác… Đặc biệt, trong hòa giải tranh chấp hôn nhân và gia đình, trường hợp đoàn tụ thành đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình; trường hợp thuận tình ly hôn cũng giúp các bên giữ được hòa khí, hai bên thống nhất được người nuôi con, phương thức nuôi dạy con phù hợp và cùng hỗ trợ, hợp tác trong việc nuôi con sau ly hôn. Đây là ý nghĩa rất lớn của hòa giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường theo trình tự tố tụng không có được. Ngay cả trong trường hợp hòa giải, đối thoại không thành thì thông qua hòa giải, đối thoại, các bên đã được hòa giải viên giải thích quyền và nghĩa vụ, các bên đã hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia tố tụng một cách tích cực và hiệu quả.

Điều quan trọng nữa là kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được tòa án công nhận và có hiệu quả thi hành cao. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được tòa án công nhận bằng thủ tục nhanh gọn và có giá trị thi hành như bản án khi có yêu cầu của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án. Các bên không phải trả lệ phí cho thủ tục xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án. Thực tiễn thí điểm cho thấy, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại thường được các bên tự nguyện thi hành, thậm chí là thi hành ngay tại phiên hòa giải do các bên tự thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Từng bước khắc phục những khó khăn

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới có hiệu lực thi hành, người dân chưa biết về luật này nên số lượng hòa giải, đối thoại tại tòa án rất thấp; số lượng hòa giải viên cũng rất ít do không đủ điều kiện hoặc những người có đủ điều kiện nhưng lại không mặn mà với việc làm hòa giải viên; cơ sở vật chất còn khó khăn. Thấy được những hạn chế đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã phối hợp cơ quan báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó những người có đủ điều kiện làm hòa giải viên thấy được việc làm ý nghĩa này, đồng thời nếu hòa giải thành cũng được hưởng chế độ khá lớn, từ đó thu hút được lực lượng hòa giải viên tham gia đông hơn. Nếu như năm 2021 toàn tỉnh chỉ có 12 hòa giải viên thì đến nay số hòa giải viên lên đến hơn 50 người. Cơ sở vật chất được trên đầu tư, nhiều địa phương trong tỉnh bố trí được phòng riêng để hòa giải, đối thoại tại tòa án, có trang thiết bị tương đối đáp ứng được nhu cầu của công việc.

Qua hơn 2 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, số lượng vụ, việc đưa qua tòa chấp nhận hòa giải, đối thoại rất nhiều. Từ đó, góp phần giảm áp lực cho tòa án, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành rất cao. Tính từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2023, tổng số đơn khởi kiện tòa án nhận được là 16.514 đơn các loại; tổng số vụ, việc tòa án chuyển qua hòa giải viên để hòa giải, đối thoại là 6.383 vụ, việc; tổng số vụ, việc hòa giải viên đã hòa giải, đối thoại là 5.065 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành (bao gồm đương sự rút đơn) trên tổng số vụ việc hòa giải viên đã hòa giải, đối thoại là 71,37%.

Bà Bùi Thị Đẹp - hòa giải viên, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng là cán bộ hưu trí, công tác nhiều năm trong ngành Tòa án và nhiều năm làm Chánh án Tòa án nhân dân huyện, từ khi có Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bà được Tòa án nhân dân tỉnh mời làm hòa giải viên. Theo bà Bùi Thị Đẹp, là một hòa giải viên điều đầu tiên là phải có kiến thức nhất định về pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính… phải thấu hiểu người dân họ mong muốn điều gì, trên cơ sở đó, lấy bằng cả tấm chân tình của mình giải thích, động viên họ.

Bà Đẹp cho biết, hòa giải thành là mong muốn lớn nhất của hòa giải viên, mỗi vụ hòa giải thành là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời mình, nhất là những vụ kiện hành chính giữa người dân và chính quyền. Đôi khi chỉ là một việc rất nhỏ nhưng không được giải thích cặn kẽ, người dân không nghĩ đúng về chính quyền, khi chính quyền hợp tác tốt với tòa án, gặp gỡ, đối thoại với người dân, trên cơ sở phân tích đó thì người dân thấy được trong quá trình làm việc không ai tránh khỏi những sai sót, nên giải tỏa được khúc mắc, càng tin tưởng vào các cấp chính quyền.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ

Với tòa án, đổi mới và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, thời gian tới, các đơn vị tòa án hai cấp trong tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đến mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới về hình thức tuyên truyền tại những địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp; chủ động khắc phục khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thi hành luật có hiệu quả. Thủ trưởng các đơn vị tòa án hai cấp, nhất là chánh án tòa án nhân dân huyện nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo chuyển kịp thời tất cả các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đủ điều kiện sang hòa giải, đối thoại trước khi tòa án thụ lý vụ việc. Tiếp tục lựa chọn những hòa giải viên là người có uy tín trong đồng bào Khmer, vì là tỉnh có đông đồng bào Khmer nên việc lựa chọn hòa giải viên là người có uy tín trong đồng bào Khmer sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đồng thời làm tốt công tác khen thưởng; tiếp tục đề xuất Tòa án nhân dân tối cao bổ sung kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cho hòa giải viên để phục vụ tốt hơn công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Có thể thấy, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường theo trình tự tố tụng. Các bên nên lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án và tạo điều kiện cho mình cũng như các bên trong tranh chấp, khiếu kiện tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện nếu thực sự mong muốn có được kết quả hài hòa lợi ích các bên là một giải pháp tối ưu thay thế việc xét xử.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hieu-qua-sau-hon-2-nam-thuc-hien-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-65930.html