Hiệu quả thiết thực từ Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

Thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' giai đoạn 2018 - 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cao Bằng đã tích cực phối hợp cùng Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng và các đơn vị đồng hành triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ hội viên phụ nữ ở địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng. Chương trình đã giúp nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo, xây dựng kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Cao Bằng và Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng tặng nhà Đại đoàn kết cho hội viên phụ nữ nghèo tại xã Cần Yên, huyện Hạ Lang. Ảnh: Thế Tùng

Đại diện Hội LHPN tỉnh Cao Bằng và Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng tặng nhà Đại đoàn kết cho hội viên phụ nữ nghèo tại xã Cần Yên, huyện Hạ Lang. Ảnh: Thế Tùng

Cao Bằng là địa phương được Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP chọn là 1 trong 3 địa phương làm điểm của cả nước về thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong đó chọn 5 xã biên giới khó khăn của tỉnh phân công cho các đơn vị đồng hành giúp đỡ. Thời gian qua, các đơn vị đồng hành đã phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn khảo sát, lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với địa phương, sau đó ủng hộ kinh phí để giúp đỡ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chương trình này, Ban Quốc tế và Công đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho 10 hộ để thực hiện mô hình nuôi trâu tại xã Cải Viên, huyện Hà Quảng; Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn và Ban Phụ nữ Quân đội hỗ trợ 120 triệu cho 25 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Cần Nông, huyện Hà Quảng; Hội LHPN tỉnh Hà Nam hỗ trợ 172 triệu cho 28 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi bò giống và mô hình nuôi lợn đen tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc; Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu cho 10 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi la tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh; Hội LHPN tỉnh Cao Bằng hỗ trợ 50 triệu cho 10 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi lợn lai trắng tại xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với BĐBP Cao Bằng, các đơn vị đồng hành hỗ trợ quà, tiền mặt với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng cho các hội viên phụ nữ. Trong đó, đã triển khai 9 mô hình sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 125 hộ; hỗ trợ, sửa chữa, làm mới 9 nhà “Mái ấm tình thương”; xây dựng 37 công trình dân sinh; trao gần 3.000 suất quà cho hội viên phụ nữ nghèo, hơn 1.000 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó; khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho hơn 700 lượt người.

Đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình sinh kế theo hỗ trợ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, chị Lữ Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cô Ba chia sẻ: “Xã Cô Ba có hơn 500 hội viên phụ nữ, trong đó hơn 50% hội viên và gia đình thuộc diện hộ nghèo. Thu nhập chính của chị em từ kinh tế nông nghiệp, trồng lúa, ngô, nhiều hội viên phụ nữ muốn phát triển chăn nuôi gia súc nhưng không có vốn.

Cuối năm 2018, Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ 100 triệu để giúp 10 hộ dân phát triển mô hình nuôi bò giống; hỗ trợ 72 triệu để giúp 18 hộ dân phát triển mô hình nuôi lợn đen. Đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ, không ít gia đình hội viên phụ nữ đã thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định hơn”.

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Triệu Thị Sính, dân tộc Nùng, trú tại xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, là hội viên phụ nữ được hỗ trợ tham gia mô hình “Nuôi bò giống”. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới xây, chị Sính vui mừng cho biết: Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, sinh sống bằng nghề làm nông, nhưng do thiếu đất canh tác và nhiều thời điểm mất mùa nên cuộc sống rất vất vả. Trước hoàn cảnh của gia đình, cuối năm 2018, tôi được Hội LHPN tỉnh Hà Nam hỗ trợ 10 triệu đồng để mua 1 con bò giống. Bên cạnh vốn hỗ trợ, tôi cũng được cán bộ Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng và cán bộ Hội LHPN xã Cô Ba chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ làm chuồng trại hợp vệ sinh. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, bò giống phát triển tốt và đã sinh được 1 con bê. Ngoài ra, tôi cũng được Hội LHPN huyện Bảo Lạc vận động hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. Giữa năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Rời xã Cô Ba, chúng tôi đến xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, đến thăm các hội viên phụ nữ và gia đình được Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ mô hình nuôi la, chúng tôi cảm nhận được những chuyển biến tích cực trong kinh tế, đời sống của hội viên phụ nữ và gia đình.

Tiêu biểu như trường hợp của chị Hoàng Thị Tải, dân tộc Nùng, trú tại xóm Pò Peo - Phia Muông, xã Ngọc Côn, có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, chị Tải quanh năm chật vật với nghề nông để nuôi con. Không có nguồn thu nhập ổn định, chị Tải thường tranh thủ thời điểm nông nhàn đi làm thuê. Năm 2018, chị Tải được LHPN tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 10 triệu đồng để mua 1 con la hỗ trợ sức kéo, vận chuyển hàng hóa. Từ đó đến nay, cuộc sống của chị Tải cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn, chị Tải đã có nguồn thu nhập ổn định, mua thêm được 1 con la và sửa chữa ngôi nhà chắc chắn hơn.

Được biết, ngoài các xã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao phụ trách, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc, câu lạc bộ Nữ Doanh nhân tỉnh phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn đồng hành với 16 xã biên giới. Hằng năm, các cấp Hội LHPN tỉnh Cao Bằng phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn tổ chức Chương trình “Xuân đoàn kết - Tết yêu thương”; tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày truyền thống BĐBP, Ngày Biên phòng toàn dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Côn giúp đỡ hội viên phụ nữ xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh làm bếp đun cải tiến. Ảnh: Thế Tùng

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Côn giúp đỡ hội viên phụ nữ xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh làm bếp đun cải tiến. Ảnh: Thế Tùng

Không chỉ giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, triển khai mô hình “Cùng em vượt khó” để thu hút nguồn lực hỗ trợ, động viên, khích lệ học sinh nghèo hiếu học vùng biên giới.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình sau gần 3 năm triển khai thực hiện, bà Lục Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cho biết: “Với sự nỗ lực các cấp Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng cùng sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các đơn vị đồng hành, chương trình đã được triển khai hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Các đơn vị đã chủ động khai thác các nguồn lực, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ và nhân dân; tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc, tiến bộ cho phụ nữ các dân tộc ở vùng phên dậu của Tổ quốc”.

Trọng Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-thiet-thuc-tu-chuong-trinh-dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-post435801.html