Hiệu quả tích cực từ mô hình 'Giáo xứ không ma túy'

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào Công giáo trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở, thời gian qua, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an cấp xã, phường, thị trấn tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai xây dựng mô hình “Giáo xứ không ma túy”. Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình, người dân các xứ đạo đã chủ động, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy (TNMT), góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT ở cơ sở.

Giáo xứ Bút Đông thuộc địa bàn 6 tổ dân phố của phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) có số giáo dân đông nhất phường. Những năm trước đây, tình hình ANTT ở đây khá phức tạp do là địa bàn giáp ranh với địa phương ngoại tỉnh (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội), là điểm tập trung nhiều đối tượng phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội (TNXH), đặc biệt là TNMT. Các đối tượng thường lưu trú ở khu vực này để tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cán bộ Công an xã Tiêu Động (Bình Lục) tuyên truyền bà con giáo dân nâng cao cảnh giác với tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Cán bộ Công an xã Tiêu Động (Bình Lục) tuyên truyền bà con giáo dân nâng cao cảnh giác với tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Giải quyết tình trạng trên, tháng 1/2025, thực hiện sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an phường Châu Giang đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai xây dựng điểm mô hình “Xứ đạo không ma túy” để các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh rút kinh nghiệm, nhân rộng. Để mô hình phát huy hiệu quả bền vững, Đảng ủy phường ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia xây dựng mô hình “Xứ đạo không ma túy” tại Giáo xứ Bút Đông. UBND phường xây dựng kế hoạch triển khai thành lập ban chỉ đạo (BCĐ), tổ giúp việc; ban hành các tiêu chí về xây dựng mô hình để phấn đấu thực hiện, như: 100% gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nhất là chính sách, pháp luật quy định về hoạt động tôn giáo; 100% đại diện hộ giáo dân cam kết không vi phạm pháp luật về ma túy và tự nguyện hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy; tích cực tham gia phong trào toàn dân đấu tranh, phòng chống tội phạm, TNMT…

Ngay sau khi mô hình đi vào hoạt động, các thành viên tham gia mô hình, linh mục chánh xứ, ban hành giáo, họ đạo tập trung thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích của mô hình. Ban hành giáo Giáo xứ Bút Đông cũng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung mô hình “Xứ đạo không ma túy” thông qua việc lồng ghép trong các buổi học giáo lý để giáo dân hiểu về tác hại của ma túy, từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho giáo dân. Ban hành giáo còn tổ chức cho các hộ giáo dân thảo luận, ký cam kết không liên quan đến ma túy, tội phạm và TNXH, đồng thời nắm bắt tình hình người có biểu hiện nghi nghiện hút để kịp thời báo cáo với chính quyền nhắc nhở, giáo dục và ngăn chặn. Ông Nguyễn Văn Lời, Chủ tịch UBND phường Châu Giang cho biết: Mô hình “Xứ đạo không ma túy” tại Giáo xứ Bút Đông đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Với sự vào cuộc tích cực của thành viên BCĐ, linh mục, hội đồng giáo xứ, sự hưởng ứng tích cực của giáo dân, tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Tội phạm được kiềm chế, những hành vi vi phạm pháp luật và TNXH, đặc biệt là TNMT của con em trong giáo xứ có chiều hướng giảm; ý thức tham gia giữ gìn ANTT, tố giác tội phạm của giáo dân được nâng lên.

Còn ở Giáo xứ An Phú (xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm), nhiều năm trước, đây cũng là địa bàn có tình hình ANTT khá phức tạp do thường xuyên xảy ra tình trạng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong nhân dân. Đầu năm 2025, Công an xã Thanh Hương tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Xứ đạo không ma túy” tại Giáo xứ An Phú. Theo Trung tá Lê Hải Hà, Trưởng Công an xã Thanh Hương, sở dĩ Công an xã lựa chọn triển khai mô hình ở Giáo xứ An Phú vì nơi đây có khá đông đồng bào Công giáo sinh sống, địa bàn tương đối phức tạp về ANTT. Khi mới triển khai mô hình, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với vai trò nòng cốt của lực lượng công an và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các chức sắc, chức việc và nhất là bà con giáo dân, sau hơn 4 tháng thực hiện mô hình, đến nay số vụ việc liên quan đến ANTT, đặc biệt là tội phạm, TNMT tại địa bàn này giảm mạnh về số lượng và tính chất, mức độ... Đến nay, mô hình “Giáo xứ không ma túy” đã bước đầu đi vào cuộc sống nơi đây.

Với phương châm “lấy phòng ngừa là chính”, mô hình “Giáo xứ không ma túy” được xây dựng trên 10 nội dung tiêu chí cụ thể, đó là: Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nhất là chính sách, pháp luật quy định về hoạt động tôn giáo; 100% đại diện hộ giáo dân cam kết không vi phạm pháp luật về ma túy và tự nguyện hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy; 100% hộ gia đình giáo dân ký cam kết thực hiện mô hình “Xứ đạo không ma túy”, không để hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, không để xảy ra các vụ phạm tội về ma túy do người đang cư trú trên địa bàn gây ra; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy; tích cực tham gia phong trào toàn dân đấu tranh, phòng chống tội phạm, TNMT; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về ma túy, người sau cai nghiện…

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành lập, duy trì có hiệu quả 7 mô hình “Giáo xứ không ma túy” tại Giáo xứ Bút Đông, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên); Giáo xứ Khoan Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân); Giáo xứ Kim Bảng, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý); Giáo xứ An Khoái, xã Liêm Sơn- Giáo xứ An Phú, xã Thanh Hương- Giáo xứ La Mát, Sở Kiện, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm). BCĐ xây dựng mô hình các địa phương đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, giáo dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của mô hình và 10 nội dung tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn “Giáo xứ không ma túy”. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các hội nghị thôn, sinh hoạt ANTT, các buổi giảng giáo lý, giáo họ và hội họp của hội đồng giáo xứ, giáo họ… Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ xã đến thôn, tổ dân phố phối hợp với chức sắc, chức việc, người có uy tín trong giáo xứ, giáo họ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn giáo dân thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân, đoàn kết lương giáo, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tại 7 giáo xứ triển khai mô hình “Giáo xứ không ma túy”, 100% hộ dân ký kết tích cực tham gia phòng, chống các loại tội phạm và TNXH, trong đó có tội phạm và TNMT; tích cực tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về ma túy, người sau cai nghiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình “Giáo xứ không ma túy” còn được các ban, ngành, đoàn thể, giáo xứ, giáo họ gắn với các phong trào tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải và lồng ghép với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình giáo dân gương mẫu, bảo đảm ANTT”.

Thông qua mô hình “Giáo xứ không ma túy”, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an đấu tranh, triệt xóa kịp thời một số vụ việc liên quan tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ở các địa bàn có mô hình “Giáo xứ không ma túy”, số người nghiện phát sinh mới có chiều hướng giảm, số đối tượng ma túy được quản lý, giám sát chặt chẽ, qua đó góp phần đấu tranh kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và TNMT, ổn định ANTT và đời sống nhân dân trong cộng đồng…

Từ thực tế cho thấy, phong trào toàn dân bảo vệ ANTT vùng đồng bào Công giáo nói chung và việc xây dựng mô hình “Giáo xứ không ma túy” nói riêng đang phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH ngay tại địa bàn cơ sở. Qua triển khai thực hiện mô hình, lực lượng công an các cấp đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về bảo đảm ANTT và hoạt động tôn giáo; chủ động triển khai nhiều biện pháp công tác; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân và bà con giáo dân tích cực tham gia phong trào; nắm chắc địa bàn, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề tại cơ sở. Hơn thế, mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của các chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, TNXH, trong đó có tội phạm liên quan đến ma túy.

Để triển khai nhân rộng mô hình “Giáo xứ không ma túy”, Công an tỉnh xác định tiếp tục duy trì và phát huy tính hiệu quả của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”; việc xây dựng mô hình ở vùng đồng bào theo đạo phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, sự thống nhất quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở và có cơ chế, biện pháp cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng công an. Đồng thời, coi trọng và thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực giúp chức sắc, chức việc, giáo dân thấy được lợi ích, quyền và trách nhiệm trong công tác bảo vệ ANTT, từ đó đồng tình, ủng hộ, tích cực, tự giác tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Cùng với đó, để các phong trào, mô hình bảo đảm ANTT, trong đó có mô hình "Giáo xứ không ma túy” mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, quá trình thực hiện phải chú trọng gắn kết chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức tôn giáo phát động; kết hợp với nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, quan tâm giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp phát triển tự nhiên phù hợp với thực tế.

Lãnh đạo UBND xã Kim Bình tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND xã Kim Bình tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; có chính sách động viên, khen thưởng phù hợp, kịp thời cho các tập thể, cá nhân nhất là các chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, trong thực hiện nội dung, tiêu chí mô hình “Giáo xứ không ma túy”. Lực lượng công an cần tích cực hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, thường xuyên mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, TNMT; phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật; tạo khí thế thi đua và môi trường thuận lợi cho phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" phát triển sâu rộng.

Thực hiện: Trần Ích
Thiết kế: Đức Huy

www baohanam.com.vn

649

11:41 20/05/2025

bình luận

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/e-magazine/hieu-qua-tich-cuc-tu-mo-hinh-giao-xu-khong-ma-tuy-163854.html