Hiệu quả 'Tổ tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy' ở Lạng Sơn
Tình trạng người dân trồng trái phép cây có chứa chất ma túy vẫn diễn ra phức tạp ở Lạng Sơn. Để ngăn ngừa tình trạng này, mô hình 'Tổ tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy' ra đời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Huyện miền núi Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn có diện tích tự nhiên gần 700 km2, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, tình trạng người dân lén lút trồng cây thuốc phiện vẫn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn này với nhiều thủ đoạn tinh vi như trồng xen kẽ các loại cây rau màu, cây ăn quả quanh vườn hay tại các nương rẫy hẻo lánh...
Bà Dương Thị Duyên (xã Tân Hương) lý giải nguyên nhân một số người vẫn trồng cây thuốc phiện do không ý thức được tính nguy hại của loại cây chứa chất ma túy này: “Họ quan niệm rằng, trồng để lấy rau ăn, vì cây này không gây nghiện được, thậm chí họ lấy cây để chữa bệnh cho gà, rồi khi như trẻ con sốt thì họ lấy cây ấy về để đun, tắm, bôi cho trẻ; uống vào khỏi đau bụng và khi cây đã già thì lấy về ngâm rượu…”
Hành vi trồng các loại cây có chất ma túy là vi phạm pháp luật bởi gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, cộng đồng. Hơn thế, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi này có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép, gây bất ổn an ninh trật tự. Để nâng cao ý thức người dân, mô hình Tổ tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy ở các khu dân cư được Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm tại các xã của huyện Bắc Sơn.
Thượng úy Hoàng Hải Ngọc, Phó Trưởng Công an xã Bắc Quỳnh cho biết, trong quá trình thực hiện, nhận thức của bà con nhân dân một vài nơi còn nhiều hạn chế, nên cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi lồng ghép bằng nhiều hình thức, qua loa phát thanh, kết hợp với các cuộc họp thôn, họp chi bộ, đến từng nhà tuyên truyền cá biệt đối với những hộ gia đình trước đây đã từng gieo trồng. Qua đó, cơ bản bà con đều thay đổi nhận thức, họ hiểu rằng đây là hành vi vi phạm luật và đồng tình ủng hộ với Nhà nước.
Sau 1 năm triển khai, gần 600 "Tổ tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy” đã tổ chức các buổi tuyên truyền cho hàng trăm nghìn lượt người dân. Trung tá Dương Xuân Hiệp, Đội trưởng Đội Hình sự Kinh tế Ma túy Công an huyện Bắc Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua hoạt động của tổ tuyên truyền đã có những kết quả nhất định, số vụ cũng như số người trồng đã giảm hẳn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, chỉ đạo Công an từ huyện đến cơ sở nắm chắc địa bàn, nắm rõ các hộ dân và những đối tượng có biểu hiện chuẩn bị đến mùa vụ gieo trồng để đến tận nơi vận động, tuyên truyền, kiên quyết xử lý vi phạm, tạo chuyển biến lớn về công tác đấu tranh phòng chống ma túy.
Các hoạt động phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy tổ chức tại các Nhà Văn hóa hay các buổi họp thôn, bản được lồng ghép với những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm đặc sắc... thu hút được sự quan tâm của người dân và đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy.
Ông Dương Công Hảo, thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn chia sẻ: “Những hủ tục ngày xưa các cụ truyền miệng nhau để lại như vậy nhưng đời sống, xã hội ngày nay cũng đang ngày càng phát triển rồi. Qua công tác tuyên truyền, người dân tại thôn đều nhận thức được tác hại của cây ma túy nên giờ họ hầu như không trồng, giờ họ chuyển sang trồng những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như đào, thuốc lá, để hướng tới phát triển kinh tế bền vững hơn.”
Để tiếp tục tiến tới xóa bỏ cây chứa chất ma túy, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, các ngành các cấp tại tỉnh Lạng Sơn cũng cần có những phương án để phát triển hạ tầng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào thay thế, tạo nên những mô hình kinh tế có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả cao, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa./.