Hiệu quả tốt từ việc 'lắng nghe ý kiến đóng góp của dân'
Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua Vì ANTQ, Công an huyện Bến Lức (Long An) đã tổ chức tốt 'Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ', thu hút hơn 40 ngàn lượt người dự. Đi cùng theo đó là tổ chức diễn đàn 'Công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân', đã tiếp nhận 844 ý kiến đóng góp của nhân dân đối với công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAND.
Công an từ huyện đến cơ sở đã phối hợp các ngành liên tịch tổ chức tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền thông qua hệ thống loa lưu động trên các tuyến giao thông; phát hành thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội đến từng hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường;…
Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác cho người dân. Nhờ vậy, nhân dân đã cung cấp cho cơ quan Công an 1.409 nguồn tin có giá trị, giúp đấu tranh, làm rõ, xử lý 926 vụ/ 1.219 đối tượng; có 192 lượt cá nhân được khen thưởng về thành tích đột xuất trong phòng, chống tội phạm.
5 năm qua, Công an huyện Bến Lức xây dựng, nhân rộng 16 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo hướng tự phòng, tự quản tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở. Điển hình như: Mô hình “Phối hợp bảo đảm ANTT với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thuận Đạo”; mô hình “Đội dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm”, đã chốt chặn, vây bắt 63 vụ, 72 đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản trong và ngoài địa phương;…
Trong đó, mô hình “Phối hợp bảo đảm ANTT với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thuận Đạo” được Giám đốc Công an tỉnh biểu dương và chỉ đạo triển khai nhân rộng; mô hình “Đội dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm” được vinh dự chọn tham dự Hội nghị giao lưu điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ tại Hà Nội năm 2015 và tham dự Hội nghị báo cáo điển hình toàn quốc do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội năm 2018.
Công an huyện Bến Lức còn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Nụ cười thân thiện”, với khẩu hiệu hành động “Hãy để nụ cười mở đầu những câu chuyện” và phương châm thực hiện “Biết mỉm cười - biết chào hỏi - biết lắng nghe - biết cảm ơn - biết xin lỗi”. Những nỗ lực đó đã góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ “kính trọng, lễ phép”, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.