Hiệu quả trạm giám sát côn trùng thông minh
Năm 2024, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) triển khai thực hiện lắp đặt thí điểm hai trạm giám sát côn trùng (bẫy đèn thông minh) tại hai xã Bàn Tân Định và Ngọc Hòa để dần thay thế hệ thống bẫy đèn truyền thống ở địa phương. Việc ứng dụng trạm giám sát côn trùng mang lại nhiều hiệu quả, tiện ích trong việc bảo vệ cây trồng và hoa màu.
Trạm giám sát côn trùng thông minh có dải ánh sáng nhiều màu xanh lá, xanh dương, UV và trắng (có thể điều chỉnh ánh sáng) giúp tăng khả năng thu hút đa dạng các loại côn trùng vào bẫy hỗ trợ việc giám sát dịch hại trên cây trồng. Trạm giám sát có vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng Nguyễn Văn Dưỡng cho biết: “So với bẫy đèn truyền thống, trạm giám sát côn trùng thông minh thu hút được đa dạng các loại côn trùng trên lúa như thành trùng sâu keo, sâu năn...; trên cây ăn trái và rau màu như kiến vương, bọ hung, sâu keo... Bẫy đèn có các thiết bị quan trắc khí tượng, thời tiết, đo nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió và cảm biến mưa trong ngày, qua đó người dân có thể xác định được có cần phun thuốc hay không và chọn phương thức xử lý kịp thời”.
Trạm giám sát được lắp đặt tại vùng trọng điểm sản xuất lúa và cây trồng, có thể dự báo cho các cánh đồng có khoảng cách vài ngàn hecta, giúp địa phương có lịch xuống giống, sử dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng hiệu quả cao và tiết kiệm được chi phí. Anh Huỳnh Văn Tước, ngụ ấp Trần Văn Nghĩa, xã Bàn Tân Định nói: “Chỉ cần sử dụng điện thoại bấm vào ứng dụng Mekong và xem biểu đồ trên máy, tôi có thể biết được số lượng sâu, rầy gây hại…, không phải ra tận ruộng để kiểm tra, vừa tiện lợi vừa nhanh chóng”.
Sau thời gian lắp trạm giám sát côn trùng thông minh, qua số liệu ghi nhận trên địa bàn huyện cho thấy sự di trú của các loại sâu bệnh trên cây lúa hoặc một số côn trùng gây hại thường dựa vào hướng gió, tốc độ gió. Chị Lê Huỳnh Thái Như - tổ trưởng tổ kinh tế - kỹ thuật xã Bàn Tân Định cho biết: “Bẫy đèn thông minh có thể nhận dạng, phân biệt được 103 loài côn trùng. Bẫy đèn có thể thay thế hoàn toàn việc theo dõi thủ công hàng đêm của cán bộ kỹ thuật, giúp giảm sức lao động trong việc nhận dạng, đếm số lượng côn trùng vào bẫy, vừa hạn chế sai sót qua các khâu trung gian (nhận diện, đếm, nhập dữ liệu các công đoạn báo cáo...), dễ dàng truy cập và quản lý, giúp công tác dự báo trở nên nhanh chóng và kịp thời”.
Nhờ ứng dụng hệ thống bẫy đèn thông minh, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng dự báo được tình hình sâu bệnh trong hai vụ lúa đầu năm 2024. Anh Phạm Văn Việt, ngụ ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa cho biết: “Nhờ có bẫy đèn thông minh được lắp gần nhà đã giúp tôi dự báo được tình hình sâu bệnh diễn ra ảnh hưởng đến vụ trồng cây ăn trái. Tôi chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, từ đó lên kế hoạch diệt trừ phù hợp, kịp thời”.