Hiệu quả trong chống hạn tại Sông Hinh

Người dân làng Dao, thôn Chư BLôi, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) tưới nước cho cây sầu riêng từ nguồn nước tự chảy. Ảnh: VĂN THÙY

Hạn hán liên tục trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng nặng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục, nông dân huyện Sông Hinh đã có nhiều sáng tạo trong phòng chống hạn, duy trì phát triển sản xuất, khắc phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Hạn hán khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn héc ta cây trồng bị khô hạn, mất năng suất, thậm chí cây trồng bị chết khô.

Tìm nguồn nước sinh hoạt

Qua nhiều năm chống hạn, đến nay người dân đã có rất nhiều sáng tạo, giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và cứu được cây trồng trong mùa nắng hạn. Đặc biệt, bà con nông dân đã khai thác có hiệu quả nguồn nước để chống hạn, nhiều diện tích cây trồng đã được cứu sống và đặc biệt là hơn 1.000ha cây ăn quả trên địa bàn huyện đến nay vẫn phát triển tốt.

Hơn 500 triệu đồng, khoảng 4.500m đường ống dẫn nước, hàng trăm ngày công cõng vật liệu vượt dốc lên núi cao - đó là công trình nước tự chảy của 24 hộ dân làng Dao, thôn Chư BLôi, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). Hơn 2 năm qua, những vòi nước chảy suốt ngày đêm không nghỉ. Là người khởi xướng xây dựng công trình nước này, ông Bàn Nguyên An ở thôn Chư BLôi, tâm đắc nói: Qua nhiều năm xảy ra hạn hán, nước không có uống, cây thiếu nước chết khô. Tôi nghĩ có nguồn nước trên núi nên kêu gọi bà con họp bàn, cùng đi khảo sát và đồng tâm hợp lực đưa nước về buôn làng. Mọi người đều thấy có nguồn nước tốt, không bị cạn nên góp tiền, góp công vào làm. Hạn hán đang xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng ở đây có nguồn nước này ai cũng yên tâm.

Ông Bàn Nguyên Hanh, Phó trưởng thôn Chư BLôi, xã Ea Bar, cho hay: Ngoài cung cấp đủ nước sinh hoạt, gần 50ha các loại cây trồng như sắn, lúa, cây ăn trái… ở dọc tuyến đường ống nước này được tưới tiêu một cách đầy đủ. Có nước, năng suất cây trồng đều đạt cao, bà con rất phấn khởi. Thấy công trình nước này có hiệu quả, một số bà con người Dao ở thôn Tân Bình, xã Ea Ly cũng đã góp hàng trăm triệu đồng lắp đặt đường ống dẫn nước về tưới tiêu, sinh hoạt.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Tại khu vực đất sản xuất giáp ranh giữa thị trấn Hai Riêng với xã Ea Bar, nhiều người dân đã nỗ lực tìm nguồn nước để tưới cho cây trồng dưới trời nắng gắt. Ông Trần Quang Hào (ở xã Đức Bình Tây) cùng hai nhân công khác đang hối hả kéo vòi, bơm nước tưới 1,6ha mía mới xuống giống. Theo ông Hào, cách đây hơn một tuần, khu vực này có mưa, đất ẩm nên gia đình ông đã xuống giống mía. Nhưng ngay sau đó trời liên tục nắng to, nếu không tưới thì mía giống sẽ chết khô. “Tôi phải đem máy đến những chỗ ao sâu rồi bơm hút lên xe ô tô tải hoặc xe máy cày có căng bạt, sau đó chở nước về bơm tưới cho mía. Để cây mía sống, tôi phải tưới liên tục 4 ngày đêm thì nước mới ngấm được xuống đất, cây mía mới phát triển được. Chi phí mỗi lần tưới như thế khoảng 15 triệu đồng”, ông Hào nói. Còn ông Lê Văn Bình, người làm công tưới nước, cho biết: Vì xa nguồn nước, cây trồng nằm trên đồi cao nên chỉ còn cách chở nước bằng xe tải về tưới mới có thể chống hạn, cứu cây trồng. Mía chỉ cần trồng một lần nhưng thu hoạch nhiều năm, vì thế năm đầu mới xuống giống là thời điểm quan trọng nhất để đảm bảo cây phát triển tốt về sau. Không chỉ riêng ông Hào chở nước tưới cho mía mà nhiều người dân ở đây cũng bắt đầu chở nước theo kiểu này để tưới cho cây trồng mùa nắng hạn.

Là người duy trì sự phát triển và thu nhập ổn định từ gần 3ha cây hồ tiêu, 1,5ha sắn và khoảng 0,6ha mít không hạt, ông Lê Văn Quang ở thị trấn Hai Riêng, cho biết: Để duy trì và phát triển cây trồng, tránh lãng phí nguồn nước, gia đình tôi đã áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Có tiền mua được phân, mua được thứ khác để chăm bón cho cây, nhưng khi xảy ra hạn hán rất khó tìm được nguồn nước để chống hạn, thậm chí có tiền cũng không thể mua được nước. Những năm gần đây, cụ thể là năm vừa rồi, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng, nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới. Bà con đã vận dụng mọi biện pháp chống hạn như đào ao, nạo vét ao để dự trữ nước hoặc chuyển đổi cây trồng. Từ bài học năm vừa rồi, năm nay không riêng gì gia đình tôi mà nhiều người dân ở đây đã áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Thực tế cho thấy, đây là giải pháp khá hiệu quả, tiết kiệm được nguồn nước nhưng cây trồng vẫn duy trì và phát triển tốt.

Theo UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện có khoảng 24.000ha đất sản xuất, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị sản xuất các ngành chính ở địa phương. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, nắng hạn ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, bắt đầu vào mùa khô, huyện Sông Hinh triển khai nhiều giải pháp để chống hạn với tinh thần khắc phục khó khăn, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện đề ra. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Qua nhiều năm chống hạn, đến nay người dân đã có rất nhiều sáng tạo, giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và cứu được cây trồng trong mùa nắng hạn. Đặc biệt, bà con nông dân đã khai thác có hiệu quả nguồn nước để chống hạn, nhiều diện tích cây trồng đã được cứu sống và đặc biệt là hơn 1.000ha cây ăn quả trên địa bàn huyện đến nay vẫn phát triển tốt. Đây là những tín hiệu tích cực, gợi mở để người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi phức tạp của khí hậu.

VĂN THÙY - NGỌC NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/241178/hieu-qua-trong-chong-han-tai-song-hinh.html