Sẽ có lộ trình kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy

Theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mô tô, xe gắn máy sẽ phải kiểm định khí thải. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Sẽ có quy chuẩn về khí thải xe máy lưu hành

Trong Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu được đặt ra là xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Một trong những giải pháp quan trọng sẽ triển khai là kiểm soát phát thải, khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và ban hành QCVN về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, bao gồm cả mô tô, xe gắn máy (ảnh minh họa).

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và ban hành QCVN về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, bao gồm cả mô tô, xe gắn máy (ảnh minh họa).

Tại Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ 2024 quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ cũng nêu rõ: Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải.

Luật TTATGT đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy sẽ theo lộ trình do Chính phủ ban hành.

Theo đó, tại Điều 41 Luật này cũng quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả mô tô, xe gắn máy – PV).

Trước đó, trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Giao GTVT về việc phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và lộ trình áp dụng.

Trong đó, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành QCVN về khí thải và xây dựng, trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy – PV).

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và ban hành QCVN về khí thải và xây dựng, trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng QCVN về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, phương tiện đã qua sử dụng nhập khẩu (bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy – PV).

Chính phủ sẽ quy định và ban hành lộ trình áp dụng kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy lưu hành (ảnh minh họa).

Chính phủ sẽ quy định và ban hành lộ trình áp dụng kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy lưu hành (ảnh minh họa).

Cân nhắc lộ trình phù hợp

Ủng hộ việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang lưu hành, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp.

Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng cần có cách thức thực hiện để hạn chế tối đa phiền phức cho người dân, tính toán xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị không bắt buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định mà chỉ nên áp dụng đối với xe cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen trên đường.

"Với những phương tiện dù bảo dưỡng vẫn không đạt, hướng xử lý sẽ thế nào? Nếu vẫn cố tình lưu thông, chế tài xử lý ra sao? Vấn đề này cũng cần tính toán kỹ", ông Tạo nói và đề xuất thực hiện thí điểm để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi.

Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, cũng giống như việc bắt đầu triển khai kiểm định ô tô vào năm 2005, việc kiểm định khí thải xe máy cần thực hiện thí điểm tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM. Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, từ đó xây dựng các khung pháp lý hoàn chỉnh bao gồm quy chuẩn trạm; phân loại đối tượng phải thực hiện đo kiểm; quy định về nguồn nhân lực,…Sau đó mở rộng dần ra các đô thị loại 1, 2,…

Với trạm kiểm soát khí thải xe máy, cũng giống như ô tô, có thể xây dựng theo hình thức xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thậm chí nếu các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng mô tô, xe gắn máy đạt yêu cầu về trạm, nhân lực cũng có thể tham gia thực hiện. Trước khi đo kiểm, chủ xe có thể bảo dưỡng hoặc nếu đo kiểm không đạt cũng có thể được sửa chữa, khắc phục tại chỗ.

Một kỹ thuật viên sửa chữa mô tô, xe gắn máy cho biết, hầu hết xe máy trong 3-5 năm đầu sử dụng đều duy trì tốt chất lượng an toàn kỹ thuật và khí thải, đạt tiêu chuẩn khí thải.

Hơn nữa, trước khi bán ra thị trường đã được kiểm tra chất lượng xuất xưởng và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất nên chưa cần thiết phải được kiểm định. Do đó, có thể cân nhắc miễn kiểm định khí thải với mô tô, xe gắn máy trong các năm đầu sử dụng.

"Kinh nghiệm một số nước như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ… cũng không thực hiện đối với xe dưới 5 năm kể từ ngày xuất xưởng, sau 5 năm đầu chu kỳ kiểm định định kỳ 1 năm/lần", kỹ thuật viên này cho biết thêm.

"Quy định về kiểm soát khí thải với xe máy có từ Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng quá trình triển khai gặp phải nhiều khó khăn và đến nay tiếp tục thực thi là cần thiết và xu thế tất yếu bắt buộc, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM càng nhanh càng tốt để bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia tại COP26" ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/se-co-lo-trinh-kiem-dinh-khi-thai-mo-to-xe-gan-may-192240705171402927.htm