Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng ở xã Phú Hữu

Từ chỗ trồng vài cây để phục vụ gia đình, những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Phú Hữu (Long Phú) đã chuyển sang trồng chuối sáp chuyên canh. Mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Long Phú và Hội Nông dân xã Phú Hữu đến khảo sát mô hình trồng chuối sáp của ông Phạm Văn Út. Ảnh: THIỆN HẢI

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Long Phú và Hội Nông dân xã Phú Hữu đến khảo sát mô hình trồng chuối sáp của ông Phạm Văn Út. Ảnh: THIỆN HẢI

Sau nhiều năm trồng lúa kém hiệu quả, 3 năm trước, ông Phạm Văn Út, ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu nhận thấy lợi thế của cây chuối sáp nên đã mạnh dạn chuyển 14.000m2 đất ruộng để lên liếp trồng chuyên canh loại chuối này. Nhờ đất màu mỡ nên cây chuối cau sáp nhanh chóng bén rễ, chuối cho buồng to, trái tốt. Theo ông Út, sau 8 tháng trồng là chuối trổ buồng, đến 4 tháng sau là thu hoạch. Trung bình mỗi công đất trồng chuối sáp cho 1 tấn trái, trong khi chi phí đầu tư mỗi công chỉ khoảng 1 triệu đồng vì chuối sáp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ tốn phân bón với liều lượng vừa phải.

Ông Út kể lại: “Mấy năm trước, trong xã chưa có ai trồng chuối sáp số lượng lớn, nhiều hộ chỉ trồng vài bụi để cho trái phục vụ gia đình nên tôi đi mua từng cây giống ở nhiều nơi về trồng. Chuối này không kén đất, mùa nắng hay mùa mưa đều tốt, tuy nhiên, mùa mưa cần chú ý kiểm tra để cây tránh bị oi nước”. Hiện nay có 2 loại gồm sáp trắng và sáp đen, loại trắng được nông dân chuộng hơn do buồng sai trái, trung bình mỗi buồng 7 nải, nếu chăm sóc tốt có buồng lên đến 10 nải. Còn loại sáp đen thì cho trái nhỏ và không sai bằng.

Theo nhiều người, so với một số cây trồng khác thì trồng chuối sáp có thu nhập ổn định hơn. Nếu nông dân đem bán tại vựa, tùy thời điểm thị trường mà chuối được thu mua với giá cao nhất là 9.000 đồng/kg, thấp nhất là 7.500 đồng/kg. Với 14 công trồng chuối sáp hiện nay, trung bình mỗi năm ông Út lãi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Út còn có thêm thu nhập từ việc bán chuối giống, mỗi năm ông bán từ vài trăm, thậm chí có lúc bán đến 1.000 cây giống với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/cây.

Từ những hiệu quả của mô hình trồng chuối sáp do ông Út tiên phong thực hiện, nhiều nông dân ở xã Phú Hữu đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối sáp. Theo ước tính của Hội Nông dân xã Phú Hữu, hiện trên địa bàn xã có khoảng 7 hộ trồng chuối sáp với tổng diện tích hơn 4ha, hộ trồng ít nhất là 3.000m2. Trong số này, có hộ trồng xen canh với bưởi da xanh để lấy ngắn nuôi dài và bưởi cho trái tốt hơn. Khi trồng kết hợp 2 loại cây này còn có tác dụng giữ độ ẩm cho đất, giúp bưởi cho năng suất cao. Sau khi thu hoạch, thân cây chuối còn được tận dụng trở thành phân bón hữu cơ tốt cho bưởi và an toàn cho môi trường.

Với những hiệu quả bước đầu, hiện nay lãnh đạo Hội Nông dân huyện Long Phú và Hội Nông dân xã Phú Hữu đã đến khảo sát thực tế mô hình và dự kiến trong năm nay sẽ thành lập tổ hợp tác trồng chuối sáp. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho nhà nông cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chuối, chia sẻ thông tin thị trường cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập là mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp mà các địa phương đang thực hiện. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, dễ trồng thì chuối sáp hiện đang là một trong những cây trồng đem lại hiệu quả cho nhiều nhà nông ở xã Phú Hữu. Tuy nhiên, nhà nông cần tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương và ngành chức năng khi sản xuất với quy mô lớn, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/hieu-qua-trong-chuyen-doi-cay-trong-o-xa-phu-huu-48127.html