Hiệu quả trong công tác cải cách thể chế
Cải cách thể chế là nội dung đầu tiên được đặt ra trong sáu nội dung của công tác cải cách hành chính (CCHC). Với trọng trách được UBND tỉnh giao chủ trì nhiệm vụ cải cách thể chế, thời gian qua, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách thể chế đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sở Tư pháp có nhiệm vụ cải cách thể chế với các nội dung trọng tâm như: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; quy định của pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật... Trong những năm qua, Sở Tư pháp luôn nhận thức công tác xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và của tỉnh. Vì vậy, Sở đã không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hằng năm, Sở đều tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung nhiệm vụ trong công tác cải cách thể chế, ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ. Lãnh đạo Sở luôn chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC của Sở nói chung, trong đó có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh về cải cách thể chế; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, Sở Tư pháp luôn đóng vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong công tác xây dựng văn bản; tổ chức tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn kỹ năng soạn thảo, trình tự, thủ tục xây dựng văn bản QPPL. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã ban hành 361 văn bản. Các văn bản QPPL mới ban hành cơ bản phù hợp với Hiến pháp, văn bản QPPL của cơ quan cấp trên, văn bản của UBND phù hợp với văn bản của HĐND cùng cấp. Đa số văn bản sau khi ban hành đều bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành kinh tế - xã hội ở địa phương.
Các dự thảo văn bản được soạn thảo, lấy ý kiến tham gia theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang. Từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp tham gia, góp ý đối với 708 dự thảo văn bản (tăng 350 văn bản, bằng 223% so với giai đoạn 2010 - 2015); chất lượng ý kiến tham gia đã từng bước được nâng cao.
Về thẩm định dự thảo văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã thành lập 110 Hội đồng tư vấn thẩm định, hoàn thành thẩm định 245 dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo 100% văn bản QPPL được Sở thẩm định trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành; thời hạn thẩm định được rút ngắn, trong đó trên 50% được thực hiện trước thời hạn. Nội dung thẩm định toàn diện, kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng văn bản QPPL của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khẳng định vai trò là “Người gác cổng” đáng tin cậy trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của tỉnh.
Về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, từ năm 2015 đến nay, Sở đã tiến hành tự kiểm tra 232 văn bản QPPL cấp tỉnh; kiểm tra theo thẩm quyền 775 văn bản QPPL cấp huyện. Qua kiểm tra phát hiện một số văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung, thể thức văn bản, trình tự thủ tục ban hành... đã kịp thời xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản theo quy định. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên. Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của HĐND, UBND tỉnh; hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; cập nhật 100% văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh vào Cơ sở dữ liệu văn bản QPPL Quốc gia, giúp cho việc tra cứu văn bản dễ dàng, thuận tiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Về công tác theo dõi thi hành pháp luật, từ năm 2015 đến nay, Sở đã tổ chức 200 cuộc điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật tại các địa phương, doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản cho phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt tập trung các lĩnh vực có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và chủ đề công tác năm của tỉnh.
Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 riêng trong lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL, Tuyên Quang đạt 91,39 điểm, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2018, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2018. Đây là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả trong công tác cải cách thể chế của tỉnh trong năm qua. Với những kết quả đạt được trong công tác cải cách thể chế đã góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả.