Hiệu quả từ áp dụng VietGAP trong nông nghiệp

Đến nay, có 20 hồ sơ đăng ký chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP thuộc lĩnh vực trồng trọt năm 2022 từ UBND các huyện, thị xã, thành phố trên các loại cây trồng như: mãng cầu, dứa, nhãn, bưởi, mít, sầu riêng, chanh, lúa... với tổng diện tích gần 300 ha.

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Qua thống kê của ngành Nông nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình VietGAP đạt khoảng 15%. Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025.

Sau khi nghị quyết ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành hướng dẫn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các hội nghị triển khai đến UBND xã, phường, thị trấn, hợp tác xã, tổ hợp tác; lồng ghép nội dung triển khai vào 67 lớp tập huấn nông dân về phòng trừ dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, có 20 hồ sơ đăng ký chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP thuộc lĩnh vực trồng trọt năm 2022 từ UBND các huyện, thị xã, thành phố trên các loại cây trồng như: mãng cầu, dứa, nhãn, bưởi, mít, sầu riêng, chanh, lúa... với tổng diện tích gần 300 ha. Kết quả có 18 hồ sơ đăng ký áp dụng VietGAP đáp ứng theo yêu cầu và đang triển khai thực hiện, 2 cơ sở đang bổ sung hồ sơ còn thiếu.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học nhiều; số lần sử dụng, số lượng sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng- trong đó có rau giảm nhiều so với trước đây, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Kết quả giám sát an toàn thực phẩm năm 2021-2022 cho thấy, qua lấy 79 mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kết quả chỉ phát hiện 2 mẫu có dư lượng vượt mức cho phép, còn 77 mẫu không phát hiện hoặc có phát hiện dư lượng BVTV nhưng ở mức cho phép theo quy định; lấy 75 mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả tươi, trái cây tại các chợ, chợ đầu mối, kết quả các sản phẩm kiểm tra không phát hiện hoặc có phát hiện dư lượng BVTV nhưng ở mức cho phép theo quy định.

Sản xuất nông nghiệp tốt trong chăn nuôi và thủy sản được ngành quan tâm. Đối với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia công, Sở NN&PTNT đã vận động người chăn nuôi bỏ kinh phí thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 71 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (59 cơ sở chăn nuôi gà, 10 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò), có 62 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó, có 23 cơ sở chăn nuôi gà (15 cơ sở vừa thực hiện an toàn dịch bệnh, vừa thực hiện VietGAP), 38 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò. Tỷ lệ chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh và VietGAP/tổng đàn là: gà 57,6%, heo 69%, bò 7,7%.

Đối với các hộ, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi, thực hiện theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Sở NN&PTNT đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện, đến nay, có khoảng 15 tổ chức, cá nhân đăng ký chính sách hỗ trợ. Ước tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP và an toàn dịch bệnh chiếm 41% so với giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, việc tiếp cận thông tin, trong đó có các thông tin về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (GlobalGAP, hữu cơ...) và các sản phẩm an toàn, đạt chất lượng đã được người tiêu dùng theo dõi, cập nhật rất dễ dàng. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã dễ dàng nắm bắt, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, tuy nhiên, để thực hiện quy trình đòi hỏi phải có sự đầu tư về chất xám, về vốn để xây dựng hoặc sửa chữa chuồng trại, mua sắm trang thiết bị phù hợp phục vụ sản xuất nên làm tăng giá thành sản xuất.

Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, việc phối hợp của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân, trong những năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ rau, rau an toàn của Tây Ninh đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đã tiếp cận được với các quy trình sản xuất rau VietGAP, GlobalGAP và ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Việc liên kết thành hợp tác xã, tổ liên kết, tổ hợp tác giúp cho nông dân được thuận lợi hơn trong việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị thu mua, góp phần hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ rau, quả. Các sản phẩm rau, quả sau khi được chứng nhận, được các đơn vị thu mua liên hệ ký kết hợp đồng tiêu thụ, do đó, giá bán thường cao và ổn định hơn so với khi chưa được chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, để triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các giải pháp như tăng cường thông tin, tuyên truyền về các lợi ích khi áp dụng quy trình VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng.

Người nông dân, doanh nghiệp khi áp dụng quy trình sản xuất sẽ được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích với các chính sách ưu đãi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín để tư vấn, đánh giá chứng nhận công khai minh bạch, góp phần tăng niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm đã áp dụng VietGAP.

Bên cạnh đó, lồng ghép giữa việc áp dụng quy trình VietGAP và kế hoạch phát triển chuỗi giá trị, sản phẩm chăn nuôi VietGAP, an toàn dịch bệnh sẽ là đầu vào của chuỗi. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện dự án nhằm bảo đảm dự án triển khai đúng mục đích, yêu cầu và hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; liên kết đào tạo chuyên môn, tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (GlobalGAP, hữu cơ) gắn với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến chất lượng theo thị trường xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Nông dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) sẽ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm sức khỏe cho chính mình và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp người sản xuất xây dựng được thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Cụ thể, về nước tưới, chỉ dùng các loại nước sông suối, nước giếng khoan không bị ô nhiễm các hóa chất độc hại, kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh. Tại các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn tỉnh, kết quả phân tích mẫu đất nước đều đạt an toàn theo quy định của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Đối với thuốc BVTV, chỉ dùng thuốc BVTV khi cần thiết, ưu tiên dùng các loại hoạt chất ít độc hại (thuốc thảo mộc, thuốc sinh học) nhanh phân hủy, không gây ô nhiễm cho môi trường và sản phẩm rau; thuốc phải nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau (theo quy định của Bộ NN&PTNT), tuân thủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc. Về phân bón, chỉ dùng các loại phân hữu cơ đã ủ hoai mục; thay đổi thói quen lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu của nông dân trong sản xuất cây trồng đáp ứng yêu cầu rau phải bảo đảm an toàn.

TRÚC LY

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hieu-qua-tu-ap-dung-vietgap-trong-nong-nghiep-a152337.html