Hiệu quả từ các chính sách dân tộc

Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số

Đến xã Sông Cầu hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ tại xã đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn xã có Cụm Công nghiệp Sông Cầu, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương; các con đường bê tông trải rộng khắp thôn xóm; trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều mô hình chăn nuôi dê, bò, gà, heo góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; mô hình trồng rau sạch, rau công nghệ cao, rau an toàn theo hướng hàng hóa được triển khai có hiệu quả. Từ đó, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,76%.

 Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát trồng bưởi da xanh và nuôi dê của gia đình anh Cao Văn Lếp.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát trồng bưởi da xanh và nuôi dê của gia đình anh Cao Văn Lếp.

Cũng như Sông Cầu, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ngày càng thay đổi tích cực. Có được điều đó là nhờ những năm qua, các cấp, ngành đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của ĐBDTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị. Từ năm 2016 - 2020, triển khai thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư hơn 87 tỷ đồng xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS… Đến nay, những công trình này đã góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; tạo cơ hội cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo, diện mạo nông thôn vùng núi từng bước đổi thay.

Bên cạnh đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế cho ĐBDTTS cũng được tỉnh chú trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, tỉnh đã hỗ trợ 1.740 hộ thực hiện các mô hình sản xuất với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng 33 giếng đào, 34 giếng khoan cùng bể chứa, lắng lọc cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào; lắp đặt 10 hệ thống bơm nước, đường ống, đồng hồ nước cho 1.731 hộ; xây mới, sửa chữa nhà ở cho 197 hộ ĐBDTTS nghèo (ngân sách tỉnh hỗ trợ 90 nhà và ngân sách huyện hỗ trợ 82 nhà); hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.260 lao động là người DTTS; xây dựng 34 tuyến đường vào khu sản xuất, tạo điều kiện lưu thông, phát triển sản xuất cho đồng bào với tổng vốn đầu tư hơn 105 tỷ đồng.

Triển khai đồng bộ các chính sách

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 45 tỷ đồng cho 1.393 hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế; ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hộ ĐBDTTS nghèo và cận nghèo. Anh Cao Văn Lếp (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) cho biết, trước đây, gia đình anh có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh, gia đình đã trồng 200 cây bưởi kết hợp nuôi dê, đến nay đã cho thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Không chỉ có gia đình anh Lếp, những năm qua, hàng ngàn hộ ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt hơn 14 triệu đồng/năm, tăng hơn 1,7 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35,25%, bình quân giảm khoảng 9%/năm. Đến nay, có 15/48 xã vùng DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 72.000 người DTTS (chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh) với 35 DTTS, đông nhất là dân tộc Raglai (chiếm 77,62%), tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Cùng với những chính sách hỗ trợ về kinh tế, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ về an sinh xã hội cho ĐBDTTS, cấp học bổng cho học sinh; tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị nội trú; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc như: Xây nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức các hoạt động văn hóa; xuất bản 300 cuốn sách về “Văn hóa Raglai ở Khánh Hòa”; khôi phục nhà dài dân tộc Raglai; trang bị các bộ mã la cho các đội văn nghệ cơ sở, dạy hát sử thi... Đặc biệt, lễ bỏ mả của người dân tộc Raglai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia…

Tại hội nghị về công tác dân tộc mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian qua. Ông yêu cầu, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống cho ĐBDTTS. Trong đó, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS; kéo giảm chênh lệch mức sống giữa vùng miền núi và khu vực đồng bằng của tỉnh.

MÃ PHƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202101/hieu-qua-tu-cac-chinh-sach-dan-toc-8205644/