Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo

Diện mạo nông thôn từng bước đổi thay, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm... Đó là những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 16, ngày 11/8/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về 'tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (GNBV) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030' (Nghị quyết 16).

 Tuổi trẻ xã Suối Hoa (Tân Lạc)ra quân ngày Chủ nhật xanh, hoạt động tình nguyện ở địa bàn khó khăn.

Tuổi trẻ xã Suối Hoa (Tân Lạc)ra quân ngày Chủ nhật xanh, hoạt động tình nguyện ở địa bàn khó khăn.

Anh Lê Văn Soái, xóm Kè Ưng, xã Phú Vinh (Tân Lạc) chia sẻ: Tôi được biết trong những năm qua, xã đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành bằng những chủ trương, chính sách để hỗ trợ người dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, như hỗ trợ xây dựng hạ tầng điện, trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi và các dự án hỗ trợ người dân phát triển sinh kế. Từ sự hỗ trợ đó, cấp ủy, chính quyền xã đưa ra nhiều quyết sách để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển KT-XH. 5 năm qua, người dân trên địa bàn xã đa dạng ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các loại hình dịch vụ.

Xác định rõ thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, xã ưu tiên hỗ trợ về vốn, đất sản xuất cho các hộ mạnh dạn, tiên phong triển khai các mô hình kinh tế quy mô, kỳ vọng đem lại hiệu quả cao. Cá nhân anh Soái khi mới lập nghiệp được thừa hưởng 2.000 m2 đất từ bố mẹ vợ để trồng trọt, anh bắt đầu với mô hình trồng mía tím. Thấy được hiệu quả, gia đình anh mạnh dạn đấu thầu thêm đất để mở rộng sản xuất. Hiện, diện tích trồng mía tím và mía đường nâng lên trên 3 ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Soái trồng thêm rau, đậu các loại, trồng bưởi đỏ và phát triển mô hình chăn nuôi dê, gà, trâu. Từ hộ hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh Soái đã vươn lên thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập tăng dần từng năm. Năm 2015 đạt 460 triệu đồng, năm 2020 dự kiến thu trên 650 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng trên 400 triệu đồng. Có mô hình kinh tế ổn định, anh Soái tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho bà con trong xóm, xã áp dụng KHKT vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cùng vươn lên vượt đói, thắng nghèo.

Bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 16, công tác GNBV trên địa bàn tỉnh đạt kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được quan tâm đầu tư, các chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời, đúng quy định, góp phần hoàn thiện hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập nâng cao dân trí, an sinh xã hội... Các chính sách giảm nghèo đã góp phần tạo sự chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao hơn. Đã sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các chính sách đặc thù tỉnh ban hành như Đề án 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh được lồng ghép thực hiện với Chương trình 135 mang lại kết quả tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, có điện, đường giao thông tới các thôn, bản ĐBKK, phát triển sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Chuyển biến rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm giảm bình quân 3,16%. Dự kiến hết năm 2020, số hộ nghèo còn 8,56%, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Lam Nguyệt

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/147281/hieu-qua-tu-cac-chinh-sach-giam-ngheo.htm