Hiệu quả từ các chính sách tiền tệ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội cũng như đời sống nhân dân trong cả nước. Để chủ động hỗ trợ khách hàng giảm bớt khó khăn, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện tốt các chính sách tín dụng góp phần phục hồi kinh tế.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Ninh Bình.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Ninh Bình.

Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các chính sách hỗ trợ về tín dụng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ; tổ chức thống kê, hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục hỗ trợ theo quy định.

Ngay từ khi có hướng dẫn về triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bịảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tập trung triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TTNHNN của Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, toàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 479 khách hàng với dư nợ 1.305 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 50 khách hàng với dư nợ 1.013 tỷ đồng, số tiền lãi được giảm 0,51 tỷ đồng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ về lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã cho vay ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 0,2 đến 2% so với cho vay thông thường đối với 3.268 khách hàng với dư nợ 15.485 tỷ đồng.

Đồng thời, miễn, giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng với mức giảm từ 0,2 đến 3,2%/năm cho 57.185 khách hàng, số tiền lãi miễn, giảm là 144,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 2 đợt giảm mức phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, làm cơ sở cho việc giảm phí chuyển tiền cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua đó, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Theo thống kê, 100% các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình đã làm tốt Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQCP, Nghị quyết 154/NQ-CP; Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm; toàn tỉnh đã hỗ trợ 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với số tiền 1,925 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng nhấn mạnh: Ngoài các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên về cơ chế, chính sách riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng, người dân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch... với mức lãi suất trần cho vay ưu tiên ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất sản xuất, kinh doanh thông thường khác.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn như ban hành Thông tư 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn như: đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; xây dựng các chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với quy mô và hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng, hỗ trợ khách hàng vay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng tại các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng trên địa bàn tỉnh, ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa, đề nghị bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp, với trọng tâm là rà soát và thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC trong ngành Ngân hàng.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tích cực triển khai các biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Một cửa điện tử tại các cơ quan, đơn vị.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc thực hiện các chính sách tiền tệ giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn phát triển, UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thanh tra, kiểm tra đảm bảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ về tín dụng, kịp thời phát triển, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hieu-qua-tu-cac-chinh-sach-tien-te-ho-tro-khach-hang-bi-anh/d2022080809249918.htm