Hiệu quả từ các mô hình an ninh trật tự

Đánh giá về các mô hình an ninh trật tự (ANTT) từ phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' (TDBVANTQ) hiện nay, Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Các mô hình, điển hình trong phong trào TDBVANTQ đã phát huy được vai trò làm chủ, tích cực của người dân; góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh.

 Công an tỉnh tặng giấy khen cho 9 tập thể và 21 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp thực hiện phong trào “TDBVANTQ” giai đoạn 2019 - 2024

Công an tỉnh tặng giấy khen cho 9 tập thể và 21 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp thực hiện phong trào “TDBVANTQ” giai đoạn 2019 - 2024

Mỗi xã một mô hình

Ka Cú 1, xã Hồng Vân là thôn đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới thành lập mô hình “Dòng họ Hồ tự quản về ANTT”. Từ khi thành lập đến nay, các vụ việc phát sinh từ cơ sở, ảnh hưởng đến ANTT đều được người dân thôn Ka Cú 1 đồng thuận, phối hợp để giải quyết “thấu tình, đạt lý”.

“Những nội dung của mô hình được quy định rất cụ thể, gồm 4 chương, 13 điều khoản. Không ma túy, không trộm cắp là những vấn đề mà dòng họ Hồ ở thôn Ka Cú 1 thường xuyên nhắc nhở con cháu tránh xa. Tránh xa để không bị sa ngã, không bị mang tiếng dòng họ Hồ. Con cháu dòng họ Hồ ở Ka Cú 1 ai cũng phải phấn đấu làm ăn để thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Hồ Mạnh Giang, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ.

Xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang là một trong những xã còn những vấn đề phức tạp về ANTT. Đảng ủy, UBND và hệ thống chính trị ở xã Phú Mỹ đã xây dựng mô hình “Cùng em tiến bộ” nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn; quyết tâm giữ vững ANTT.

Qua rà soát, tại địa phương này có 8 thanh, thiếu niên trong xã thường xuyên gây mất ANTT. Đây là những thanh, thiếu niên chậm tiến, nghỉ học sớm, không có công việc ổn định, sử dụng ma túy, tham gia các hội nhóm đua xe... trong khu dân cư.

Các thành viên trong mô hình “Cùng em tiến bộ” của xã Phú Mỹ đã trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục gia đình, người thân và chính các thanh, thiếu niên hư về những tác hại của việc gây rối, làm mất ANTT. Sau thời gian thực hiện, số thanh, thiếu niên này đã dần tiến bộ, biến chuyển nhận thức và hành động; từ đó, từ bỏ hẳn việc quậy phá gây mất ANTT tại địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ, ông Đoàn Văn Sỹ trò chuyện: “Cùng với lực lượng công an, các đoàn viên, thanh niên trong xã thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở để tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật để nhóm thanh, thiếu niên chậm tiến này ý thức hơn về hành động, việc làm không hay của mình. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ thanh, thiếu niên học tập, nâng cao trình độ... Nhờ vậy, Phú Mỹ đã giảm tội phạm, tệ nạn xã hội đáng kể; ANTT luôn được giữ vững để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Có người làm nòng cốt

Thực tế cho thấy, để phát huy hiệu quả các mô hình ANTT từ phong trào TDBVANTQ, người đứng đầu các thôn, bản, tổ dân phố; các bậc cao niên trong họ, nhánh phải làm nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, là chỗ dựa tin cậy để người dân trong họ, trong tổ dân phố, khu dân cư kính trọng và học hỏi. Mỗi gia đình trong từng dòng họ, phái chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân.

Đánh giá về các mô hình ANTT từ phong trào TDBVANTQ hiện nay, Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, các mô hình về ANTT ở cơ sở đã làm “nòng cốt” cho phong trào TDBVANTQ hoạt động; phát huy được vai trò làm chủ, tích cực của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị xây dựng 108 mô hình về ANTT, hoạt động ở 969 địa bàn khu dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Nhiều mô hình cụ thể, thiết thực tại cơ sở được người dân đồng tình, ủng hộ cùng tham gia để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh tại cơ sở như: “Dòng họ tự quản về ANTT”; “Liên gia tự quản về đảm bảo ANTT”, “Camera an ninh”; “Trẻ em ba không”; “Trường học thân thiện, an toàn”, Câu lạc bộ “Tư vấn, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan”...

Tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ, giai đoạn 2019 – 2024 mới đây, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tuy tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, phức tạp, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị, Công an tỉnh tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá từng mô hình ANTT, phong trào TDBVANTQ để tiếp tục tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư; kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý tình huống, không để xảy ra điểm nóng; bám chắc tình hình cơ sở; giữ vững ANTT, trật tự an toàn xã hội...

Bộ Công an tặng bằng khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 8 tập thể và 12 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 9 tập thể và 21 cá nhân; 9 tập thể và 21 cá nhân được các đoàn thể khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp thực hiện phong trào TDBVANTQ giai đoạn 2019 - 2024…

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-an-ninh-trat-tu-145429.html