Hiệu quả từ các mô hình kinh tế ở vùng nông thôn

Xác định thế mạnh của từng vùng, địa phương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị sản xuất, trong đó có các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình dê nuôi nhốt chuồng của ông Lò Văn Bun. Ảnh: Ái Vân

Mô hình dê nuôi nhốt chuồng của ông Lò Văn Bun. Ảnh: Ái Vân

Điển hình là mô hình nuôi dê lai của gia đình ông Lò Văn Bun, bản Non Nhai 1, xã Thanh Xương. Hiện nay, gia đình ông Bun có đàn dê gần 100 con, chủ yếu là giống dê lai và dê bách thảo. Khác với những hộ dân khác ở trong xã nuôi dê theo phương thức chăn thả truyền thống, ông Bun nuôi dê nhốt chuồng hoàn toàn, chuồng dê được ông xây dựng sạch sẽ, đảm bảo ấm áp về mùa Đông, thông thoáng, mát mẻ về mùa Hè. Ngoài tận dụng những lá cây có sẵn trong vườn nhà, ông Bun trồng thêm cỏ để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho đàn dê. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của đàn dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi dê rất quan trọng, từ khi làm chuồng trại đến khi chăm sóc, theo dõi. Quản lý đàn dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê cao, ít bị bệnh, chỉ cần giữ gìn chuồng trại đảm bảo vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

Ông Bun cho biết, thực hiện dự án này, gia đình ông nuôi 50 con dê sinh sản, đến nay, đã có 50% trong số đó sinh được gần 40 dê con. "Tôi thấy giống dê trắng, dê lai này lớn rất nhanh, sau 2 tháng thì được khoảng 12-13kg/con, hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, dự án này có sự liên kết sản xuất nên tôi không lo đầu ra vì đơn vị cung ứng giống cho mình mua lại toàn bộ sản phẩm" - ông Bun nói.

Ngoài mô hình nuôi dê của gia đình ông Bun, thì mô hình nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Nguyễn Văn Nở ở thôn Duyên Long, xã Noong Luống cũng đem lại hiệu quả cao nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi. Thực hiện mô hình này, gia đình ông Nở đã chuyển từ chăn nuôi chuồng hở sang chăn nuôi chuồng khép kín, áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Gia đình ông nuôi 10 con lợn nái để tự túc con giống, thực hiện việc phân chia chuồng thành khu riêng để nuôi từng lứa lợn khác nhau, vệ sinh khử trùng định kỳ 2 lần/tuần, hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp trong chăn nuôi mà những năm qua, lợn phát triển tốt, không bị mắc bệnh. Hiện nay, gia đình ông duy trì hơn 100 con lợn cho mỗi lứa nuôi. Từ nuôi lợn an toàn theo hướng sinh học mà mỗi năm gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí.

Gia đình ông Vì Văn Lâm ở bản Cà Phê, xã Sam Mứn là hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và thị hiếu của khách hàng như: Cà chua, bắp cải, rau cải, dưa chuột, mướp đắng, bí xanh... Trước đây, việc trồng rau của gia đình ông Lâm đều dựa vào kinh nghiệm. Những năm gần đây, nhờ được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn do xã, huyện tổ chức nên ông đã mạnh dạn áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ trồng rau, ông Lâm còn dành 3ha đất để trồng cây ăn quả, với các loại cây bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài Đài Loan, táo. Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, ông tiến hành trồng thâm canh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, từ cách bón phân đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hay như Hợp tác xã (HTX) Tâm Thiện, xã Noong Luống, năm 2020, HTX này bắt đầu xây dựng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, ban đầu chỉ có 5ha, đến nay HTX đã mở rộng lên gần 100ha. Vùng liên kết chỉ sản xuất giống lúa Séng Cù với các hộ có diện tích ruộng sát nhau tạo để thành vùng sản xuất tập trung, thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, chăm sóc và thu hoạch. Hiện nay, sản phẩm gạo Tâm Thiện đã được công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao.

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Nở được nuôi theo hướng an toàn sinh học đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Ái Vân

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Nở được nuôi theo hướng an toàn sinh học đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Ái Vân

HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết hợp tác phát triển sản xuất, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất mang tính bền vững hơn. Bởi có hợp tác, liên kết mới tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn được áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, khối lượng hàng hóa đủ lớn, đáp ứng yêu cầu chuỗi tiêu thụ, khắc phục nhược điểm phát triển kinh tế của các hộ nhỏ lẻ. Đồng thời, phát huy vai trò là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Những năm gần đây, huyện Điện Biên đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho bà con về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Nhiều người dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, thử nghiệm, nhân rộng các mô hình như nuôi hươu nhung, nuôi cá nước lạnh, trồng cây ăn quả, rau, hoa trong nhà lưới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Vai trò của HTX rất quan trọng, đó là tổ chức lại sản xuất, mỗi xã đã lựa chọn một mô hình HTX để thành lập; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho bà con vay vốn mua con giống phát triển sản xuất, định hướng mô hình phát triển về lúa nước, cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản nhằm tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân huyện Điện Biên đã dần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Bà con ở các xã, bản trong huyện ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng bằng công sức lao động của chính mình.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-kinh-te-o-vung-nong-thon-post484445.html