Hiệu quả từ các mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Theo thói quen, nhiều nông dân thường vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An triển khai nhiều mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV và đã đạt những kết quả tích cực.
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An có hơn 9.100ha thanh long. Nhu cầu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất thanh long rất lớn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường trong sản xuất và tăng cường sản xuất theo hướng sạch, an toàn thực phẩm luôn được huyện quan tâm. Hàng năm, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác tốt, cách sử dụng thuốc “4 đúng”, bảo đảm thời gian cách ly, phương pháp phòng trừ sâu, bệnh tổng hợp IPM, công tác phân loại, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV,…
Bên cạnh đó, để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV, huyện phối hợp các địa phương triển khai nhiều mô hình, tiêu biểu như mô hình Xây dựng hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV hộ gia đình, Thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bằng thùng nhựa,... Vừa qua, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phát động chương trình Thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng tại xã An Lục Long và Hòa Phú.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có hơn 2.500 thùng nhựa và 3.000 hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc BVTV. Tất cả các điểm xây dựng hồ chứa đều xa nguồn nước, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có thể thấy, mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của nông dân trong việc bảo vệ môi trường.
Bao bì, vỏ chai thuốc BVTV được liệt vào nhóm chất thải nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người. Thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Mặc dù việc thu gom, tiêu hủy bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng do ý thức của người dân chưa cao nên việc thu gom còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng được người dân thu gom và tiêu hủy cùng rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp, đốt chưa đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, để giảm lượng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV thì phải giảm việc sử dụng thuốc BVTV. Do đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng để thay thế một phần thuốc hóa học. Song song đó, Chi cục phối hợp các địa phương tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công chức phụ trách của địa phương và nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đúng cách và việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định.
Ngoài ra, Chi cục còn lồng ghép các chương trình, dự án về môi trường và các chuyên đề về hiệu quả của việc xây dựng hố chứa hoặc khu vực lưu chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng vào các buổi tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Mục tiêu của các mô hình, buổi tập huấn là giúp nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV và tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất,… do bao bì, vỏ chai thuốc BVTV gây ra. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp các địa phương duy trì và nhân rộng những mô hình hiệu quả để cải thiện môi trường nông nghiệp; đồng thời, mở rộng các diện tích sản xuất sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững”./.