Hiệu quả từ các phiên giao dịch việc làm lưu động
Phiên giao dịch việc làm lưu động (GDVLLĐ) được tổ chức tại các địa phương chính là cơ hội để người lao động và đơn vị tuyển dụng dễ tiếp cận, trao đổi trực tiếp các thông tin tuyển dụng. Qua đó, người lao động lựa chọn được công việc phù hợp với bản thân; các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh được nguồn lao động đáp ứng cho việc sản xuất, kinh doanh và đào tạo.
Phiên giao dịch việc làm lưu động là nơi kết nối cung – cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc làm của người lao động.
Từ nhu cầu thực tế...
Huyện Thọ Xuân có tổng dân số gần 200.000 người, trong đó có trên 115.000 người trong độ tuổi lao động. Hằng năm huyện có khoảng 2.000 học sinh lớp 12 và gần 6.000 người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tuyển dụng lao động còn mang tính tự phát, thiếu ổn định và tin cậy; người lao động chưa tiếp cận đầy đủ thông tin thị trường lao động.
Tại huyện Lang Chánh, trong số 32.000 người trong độ tuổi lao động thì có tới 6.200 người có nhu cầu tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, giải quyết việc làm/năm. Tuy nhiên, những năm trước đây mới chỉ thực hiện tuyên truyền, không có GDVLLĐ nào được tổ chức tại địa phương nên người lao động chưa được tiếp cận trực tiếp với các thông tin tuyển dụng, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa.
Tương tự, tại huyện Quan Sơn, trong số gần 26.000 người trong độ tuổi lao động thì có 1.400 người có nhu cầu tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp giải quyết việc làm mới/năm. Tại thị xã Bỉm Sơn trong số khoảng 36.000 người trong độ tuổi lao động thì có 2.000 người có nhu cầu tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp giải quyết việc làm/năm. Ngoài ra mỗi năm thị xã còn có khoảng trên dưới 500 học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng 1.300 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm mới.
Đối với doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực dệt may, cơ khí, lắp ráp linh kiện điện tử... thường có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, như Công ty TNHH Giầy Rollsport 2 Việt Nam (Hồng Mỹ 2), có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Hoàng Long, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa hiện đang có nhu cầu tuyển 3.000 lao động phổ thông; Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam có địa chỉ tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân có nhu cầu tuyển 500 công nhân may và gần 60 vị trí việc làm khác phục vụ dây chuyền sản xuất... Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn như Công ty TNHH ECCO có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có nhu cầu tuyển thường xuyên 500 công nhân may. Các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng có nhu cầu tuyển dụng không giới hạn số lượng lao động.
...đến sự phối hợp thực hiện và hiệu quả
Nhằm kết nối cung – cầu lao động, để người lao động nắm bắt thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh cuối cấp, trong tháng 4 vừa qua, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tổ chức phiên GDVLLĐ. Phiên giao dịch việc làm có 31 doanh nghiệp và 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng gần 12.000 vị trí việc làm trống trong, ngoài nước và 710 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề. Phiên GDVLLĐ đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu thông tin việc làm của hơn 3.000 người lao động, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn huyện. Qua đó, có 1.503 lượt người được tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động trong nước, kết quả có 316 người được kết nối thành công; 719 lượt người được tư vấn xuất khẩu lao động thì có 32 người đăng ký đi du học và xuất khẩu lao động; 346 lượt người được tư vấn học nghề thì có 26 người đăng ký học nghề.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Phiên GDVLLĐ đã góp phần giải quyết nhu cầu về việc làm, học nghề cho người lao động và học sinh. Đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong thu hút và cung cấp, bổ sung lực lượng lao động của huyện vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh; nhất là số lao động nông thôn sau khi Nhà nước thu hồi đất có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại huyện Lang Chánh, sau khi được Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị tuyển dụng lao động về các xã tuyên truyền, giới thiệu việc làm đã góp phần giải quyết việc làm mới cho hơn 1.000 lao động mỗi năm; trong đó có khoảng 100 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tại huyện Quan Sơn, trong năm 2020 có gần 1.700 lao động được tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm; trong đó có 688 người được tư vấn, 329 người được hướng nghiệp và 675 người được giải quyết việc làm. Ông Lữ Văn Hiệng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quan Sơn, cho biết: Các hội nghị tư vấn và phiên GDVLLĐ không chỉ giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm rõ hơn về nhu cầu việc làm của người lao động, mà còn giúp người lao động biết được các thị trường việc làm trong, ngoài nước, đặc biệt là những thị trường tiềm năng ổn định, chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập cao, từ đó có sự lựa chọn phù hợp với trình độ, sức khỏe để tham gia.
Được biết, từ đầu năm đến nay, ngoài việc tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, còn có 2 phiên GDVLLĐ và 1 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, thu hút 164 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 22 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp tại các xã thuộc 3 huyện: Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa; hỗ trợ giới thiệu 21 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các huyện, thị xã, thành phố để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Thời gian tới sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục tổ chức các phiên GDVLLĐ. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động. Kết nối với các tỉnh trong nước, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các huyện, thị xã, thành phố có đông lao động. Đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao nhằm đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp và giúp người lao động thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm...