Hiệu quả từ chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 29-4-2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, thì tỉnh ta có 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực nằm trong mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Diện tích trồng rau, quả trong nhà lưới tại xã Nga Thạch (Nga Sơn).
Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với từng sản phẩm. Trên thực tế, ngay từ giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến giai đoạn 2016-2020, nhiều chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn được tiếp tục duy trì thực hiện, một số chính sách đã được sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế phát triển, như: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; hỗ trợ phát triển rau an toàn, hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ luồng thâm canh; hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1 và giống lúa thuần chất lượng...
Các chính sách hỗ trợ đã và đang được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cũng như hình thành được các vùng sản xuất lớn, tập trung. Điều này đang được thể hiện rõ ở một số chính sách, như: Chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ được 8.563 ha diện tích vùng lúa thâm canh, hỗ trợ kiên cố hóa được 108,46 km kênh mương nội đồng, 109,76 km đường giao thông nội đồng, mua 36 máy cấy và 43 máy thu hoạch lúa. Chính sách đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vùng lúa thâm canh tại các xã miền núi, hạ tầng cơ sở được đầu tư, máy móc thiết bị được hỗ trợ, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua chính sách hỗ trợ đã huy động đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách địa phương để hình thành được những cánh đồng trồng lúa thâm canh, quy mô lớn.
Bằng việc hỗ trợ kinh phí một lần để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng sản xuất tập trung; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP, với mức hỗ trợ 170 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, ven biển và 200 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi. Hỗ trợ kinh phí hàng năm để thuê kiểm soát chất lượng và dán tem, với mức hỗ trợ 16 triệu đồng/ha/năm đối với vùng đồng bằng, ven biển và 18 triệu đồng/ha/năm đối với vùng miền núi. Hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn, với mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2... Qua đó, đã có 45 tổ chức, cá nhân được hỗ trợ để sản xuất 247,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, 54 tổ chức, cá nhân được hỗ trợ xây dựng 582.349 m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; 74 cửa hàng kinh doanh được hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 380 ha sản xuất rau an toàn.
Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp nói riêng, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Các chính sách hỗ trợ trong tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các chính sách cũng chính là động lực để tỉnh Thanh Hóa đạt được sản lượng 900.000 tấn gạo/năm; phát triển được 45.000 ha gieo trồng rau, quả các loại, với sản lượng 540.000 tấn/năm, trong đó diện tích rau an toàn là 425 ha; diện tích mía ước đạt 24.400 ha, với sản lượng hơn 1.500 tấn/năm.