Hiệu quả tự chủ tài chính tại các bệnh viện ở Thái Nguyên
Là trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất các tỉnh miền núi phía bắc, bên cạnh Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (trực thuộc Bộ Y tế), đến nay, hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế thuộc tỉnh Thái Nguyên đều thực hiện tự chủ hoặc tự chủ một phần chi thường xuyên. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, mỗi năm ngân sách giảm chi hàng trăm tỷ đồng.
Động lực vươn lên
Sau khi thực hiện lộ trình, từ tháng 10-2018, Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên bắt đầu thực hiện tự chủ chi thường xuyên, bao gồm lương, phụ cấp, các chế độ khác đối với 365 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế và sửa chữa trang thiết bị y tế. BS Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Đây là chủ trương rất đúng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, để có đủ kinh phí thực hiện tự chủ chi thường xuyên, chúng tôi phải đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân”. Năm 2019, Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên tự tạo đủ kinh phí chi thường xuyên bằng hoạt động khám, chữa bệnh và có thu nhập tăng thêm cho đội ngũ với số tiền hơn 32 tỷ đồng.
Với hơn 630 cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế, Bệnh viện C Thái Nguyên thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ năm 2018, mỗi năm tự trả lương, phụ cấp và các chế độ hơn 60 tỷ đồng; nhờ hoạt động có hiệu quả, hằng tháng còn có thu nhập tăng thêm cho đội ngũ của mình. Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Thực hiện tự chủ chi thường xuyên, cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện có ý thức vươn lên về chuyên môn, áp dụng nhiều kỹ thuật mới; đổi mới phong cách, thái độ, lề lối, tác phong làm việc, thực sự coi bệnh nhân là đối tượng phục vụ cho nên chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt”.
Là bệnh viện chuyên khoa về mắt, mặc dù không có bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, bệnh nhân chủ yếu được chuyển từ tuyến huyện lên nhưng thời gian qua Bệnh viện Mắt Thái Nguyên không ngừng vươn lên về mặt chuyên môn, thái độ phục vụ, trở thành cơ sở khám, chữa bệnh hàng đầu về chuyên khoa mắt trên địa bàn tỉnh. Vì thế, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh về mắt ngày càng nhiều, bình quân từ 150-160 bệnh nhân mỗi ngày, mặc dù được ngân sách hỗ trợ một phần nhưng đến nay Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cơ bản bảo đảm chi thường xuyên với hoảng 13,5 tỷ đồng/năm.
Việc giao tự chủ chi thường xuyên và tự chủ một phần chi thường xuyên đã thực sự tạo động lực thúc đẩy các bệnh viện thuộc tỉnh Thái Nguyên đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, có bảy bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, 12 cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ một phần chi thường xuyên, mỗi năm ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Nguồn thu của các bệnh viện là từ hoạt động khám, chữa bệnh, những năm vừa qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có giải pháp tích cực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ để thu hút bệnh nhân. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên và giảm tải cho tuyến trên.
Với sự tham mưu của Sở Y tế, tỉnh Thái Nguyên ban hành Ðề án phát triển y tế chuyên sâu, trong đó xác định các bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của năm bệnh viện tuyến cuối và Bệnh viện Tim Hà Nội để được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên sâu và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.
Sau gần 5 năm thực hiện đề án, đến nay đã đạt được những kết quả thiết thực và vững chắc, người dân được hưởng lợi. Điển hình là Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện thường quy 20 kỹ thuật chuyên sâu về sản khoa, nhi khoa, trong đó nổi bật nhất là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (bệnh viện đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía bắc thực hiện kỹ thuật này) đã mang lại hạnh phúc cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn. Bệnh viện A Thái Nguyên cũng thực hiện nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu về nhi khoa, nhờ đó đã cứu sống nhiều trường hợp sinh non tháng, nhẹ cân.
Được đầu tư cải tạo, nâng cấp Khoa Xét nghiệm, một số thiết bị y tế, đội ngũ y sĩ, bác sĩ tham gia hơn 45 khóa đào tạo, bồi dưỡng, Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên nhận chuyển giao khoảng 20 kỹ thuật chuyên sâu và thực hiện đạt kết quả tốt, như: Điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch; thở máy ở bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp; nuôi cấy và định danh vi khuẩn; mổ mở tuyến giáp... qua đó đã cứu sống nhiều người bị bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện Gang Thép đang hướng tới là trung tâm điều trị bệnh các bệnh nội tiết.
Thời gian qua, Bệnh viện C Thái Nguyên thực hiện thêm gần 30 kỹ thuật, chuyên khoa sâu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó nhiều kỹ thuật đã được thực hiện hiệu quả như can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, gây mê trong phẫu thuật tim mạch... Ðây là những kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao mà trước đây bệnh viện chưa thực hiện được. Cùng với đó, bệnh viện được đầu tư 27 thiết bị y tế, trong đó có những thiết bị hiện đại; được đầu tư phòng mổ tim hiện đại, cải tạo, sửa chữa khu can thiệp tim mạch, nhà điều trị.
Các bệnh viện của tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã giúp nhân dân không chỉ trên địa bàn tỉnh hạn chế về các bệnh viện ở Hà Nội điều trị, qua đó góp phần giảm chi phí, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời tăng nguồn thu cho các bệnh viện để tự chủ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 là “cú sốc” lớn đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, vừa phải thực hiện ráo riết nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong khi bệnh nhân đến khám và điều trị giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự chủ chi thường xuyên. Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên hụt thu khoảng năm tỷ đồng, Bệnh viện C Thái Nguyên hụt thu 5,3 tỷ đồng, Bệnh viện A Thái Nguyên hụt thu gần mười tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tình trạng thanh toán bảo hiểm y tế chưa hợp lý làm cho bệnh viện thiệt thòi. Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Bệnh viện C Thái Nguyên đang ghép các lĩnh vực về tiêu hóa, hô hấp, xương- cơ- khớp... thành Khoa Nội tổng hợp với 55 giường bệnh, trong đó lĩnh vực xương-cơ-khớp chỉ có năm giường bệnh. Nhưng toàn bộ 55 giường bệnh được bảo hiểm thanh toán “đổ đồng” theo giường bệnh có đơn giá thấp nhất là xương-cơ-khớp nên quý III và quý IV/2019 bệnh viện bị thiệt khoảng 600 triệu đồng. Khoa Truyền nhiễm - Da liễu có hơn 40 giường bệnh, trong đó điều trị da liễu có 15 giường nhưng bảo hiểm thanh toán đơn giá giường điều trị da liễu cho cả hơn 40 giường nên sáu tháng cuối năm 2019 chúng tôi thất thu gần 600 triệu đồng”. Bất hợp lý này cũng diễn ra ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù tỉnh đã phê duyệt đề án bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến cuối nhưng việc đầu tư chưa đáp ứng so với đề án được phê duyệt. Điển hình là Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên được phê duyệt Trung tâm nội tiết với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế nhưng đến nay được đầu tư chưa đáng kể. Trên địa bàn TP Thái Nguyên có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và gần mười bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và bệnh viện chuyên khoa công lập và có nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân. Xã hội hóa y tế phát triển, thêm nhiều lựa chọn cho nhân dân, là động lực cho sự phát triển.
Tuy nhiên, gần đây đã và đang xảy hiện tượng lôi kéo bệnh nhân, cạnh tranh không lành mạnh của một số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Dường như một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP Thái Nguyên sẽ tiếp tục được thành lập thời gian tới, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực làm cho nhiều thầy thuốc tâm huyết trăn trở.