Hiệu quả từ Chương trình giảm nghèo bền vững

Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhiều khởi sắc... Là những kết quả nổi bật khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.

Từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, người dân bản Phà Lè, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) phát triển cây ăn quả.

Từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, người dân bản Phà Lè, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) phát triển cây ăn quả.

Ảnh: PV

Trong điều kiện còn khó khăn, những năm qua, tỉnh Sơn La luôn dành nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo. Riêng năm 2020, tỉnh Sơn La được phân bổ trên 634 tỷ đồng từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, đã huy động từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và ngân sách cấp huyện được 42,6 tỷ đồng, cùng với vốn tín dụng hơn 745 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương xóa đói, giảm nghèo...

Từ các nguồn vốn được phân bổ, các huyện đã thực hiện các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn...

Đường giao thông nông thôn xã Tà Xùa (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng từ dự án giảm nghèo giai đoạn II.

Đường giao thông nông thôn xã Tà Xùa (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng từ dự án giảm nghèo giai đoạn II.

Ảnh: PV

Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 406 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh; trong đó, 282 công trình mới, 124 công trình chuyển tiếp. Triển khai 191 dự án phát triển sản xuất; trong đó, hỗ trợ trên 658 nghìn cây giống ăn quả các loại, trên 3.300 con giống gia súc và hơn 677 nghìn con giống thủy sản; gần 800 máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất... Nhờ đó, cơ sở hạ tầng, nhất là ở vùng khó khăn từng bước được xây dựng đồng bộ, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 21,62% năm 2019 xuống còn 18,38% năm 2020.

Nhiều địa phương có những cách làm hay đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là việc cứng hóa, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Nhờ vậy, ở các địa bàn khó khăn có nhiều chuyển biến đáng kể trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Với mục tiêu mỗi năm giảm 3% hộ nghèo/năm trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, bản đặc biệt khó khăn, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, ổn định dân cư; hỗ trợ người dân xây dựng những mô hình hiệu quả; tăng cường huy động nguồn lực trong nhân dân cùng chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Đinh Trung Dũng

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Hằng năm, căn cứ vào nguồn vốn của các chương trình, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ngành và các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phân bổ nguồn vốn hợp lý, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Đồng thời, tiến hành thẩm định, đánh giá sự cần thiết, hiệu quả của các chương trình, dự án, mô hình phát triển sản xuất tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo đúng đối tượng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Bắc

Chủ tịch UBND huyện Mường La

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn trên 25%. Với mục tiêu phấn đấu đưa huyện Mường La thoát khỏi diện huyện nghèo trong giai đoạn 2020-2025, huyện tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Mỗi năm liên kết, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động nông thôn; xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho các địa phương; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung; phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Điêu Thị Hà

Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳnh Nhai

Năm 2020, tổng vốn giao theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của huyện Quỳnh Nhai là 100 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ đầu tư duy tu, sửa chữa và xây dựng mới 43 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn từ 3-5%. Năm 2021, huyện ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các xã bản đặc biệt khó khăn.

Ông Mùa Nhè Di

Bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng (Bắc Yên)

Là bản vùng cao, cách trung tâm xã Háng Đồng hơn 14 km, những năm trước đây, mỗi lần muốn ra trung tâm xã, người dân trong bản phải đi bộ mất nửa ngày. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông từ trung tâm xã vào đến bản, bà con mừng lắm. Bây giờ việc đi lại, vận chuyển nông sản hay mua vật tư nông nghiệp về phục vụ sản xuất đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đây là động lực để bà con trong bản vươn lên xóa đói nghèo.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-tu-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung-38249