Hiệu quả từ chương trình OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc. Cùng với việc lập quy hoạch vùng sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tỉnh chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của nông sản, từ đó nâng cao giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm qua, qua đánh giá, phân hạng, tỉnh có thêm 44 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết.
Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Qua đó, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Sản phẩm Tương Khả Do, phường Nam Viên, thành phố Phúc Yên vừa được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2022. Từ một làng nghề truyền thống sản xuất theo lối tự cung tự cấp, giá trị của một chai tương thành phẩm chỉ ở mức thấp thì nay người làm tương đã thay đổi phương pháp sản xuất, chú trọng đến khâu tổ chức và quản lý sản phẩm.
Năm 2017, Tương Khả Do đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu, logo. Đây là cơ sở và công cụ pháp lý hữu hiệu để xã viên hợp tác xã sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Quốc Trai, Giám đốc hợp tác xã cho biết, kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Các thành viên hợp tác xã ý thức hơn trong khâu sản xuất và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để có được thành phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên hợp tác xã cao hơn 20 - 30% so với trước đây.
Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch, huyện Lập Thạch là nông sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Australia. Từ cây trồng mang tính tự phát, huyện Lập Thạch đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững heo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tại 5 xã: Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý, Quang Sơn với quy mô 300 ha.
Năm 2015, thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đoạt cúp vàng thương hiệu sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng.
Năm 2019, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, phân hạng 3 sao. Đây được coi là bước tiến quan trọng của thanh long ruột đỏ Lập Thạch trên hành trình khẳng định thương hiệu.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, xã Ngọc Mỹ, Lập Thạch, một trong những người sở hữu mô hình trồng thanh long ruột đỏ được chọn xuất khẩu sang thị trường Australia chia sẻ, việc được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP giúp cho cây thanh long đỏ Lập Thạch dễ dàng hơn trong tiếp cận người tiêu dùng và tìm được chỗ đứng tại hệ thống siêu thị.
Nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc và sử dụng loại nước tưới giàu chất hữu cơ, quả thanh long ruột đỏ của gia đình anh luôn có vị ngọt đặc trưng và tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng nên được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến ký hợp đồng liên kết xuất khẩu.
Để quảng bá thương hiệu thanh long ruột đỏ, huyện lập Thạch đã phối hợp với các sở, ngành chủ động đưa sản phẩm tham gia các hội trợ thương mại trong nước và quốc tế; đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp, Viện Công nghệ sinh học trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất siro và rượu vang từ nước ép quả thanh long.
Để khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với khu du lịch trên địa bàn.
Cùng đó, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất cho các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, bao gồm cả chi phí đăng ký và thiết kế nhãn hiệu sản phẩm.