Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả được huyện Châu Thành quan tâm thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 6.437ha. Các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao

Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại thu nhập cao

Châu Thành là huyện thuần nông, có hơn 20.000ha diện tích đất nông nghiệp. Trước năm 2010, phần lớn diện tích đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa và các loại hoa màu, cây ăn trái truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa đạt như mong đợi.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Châu Thành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Theo thống kế, từ năm 2011 đến nay, người dân chuyển đổi 6.437ha diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao (sầu riêng, bưởi, xoài, mít...). Việc chuyển đổi từ các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5-8 lần. Đáng chú ý là việc chuyển đổi sản xuất sầu riêng an toàn theo hướng VietGAP mang lại thu nhập bình quân khoảng 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 20 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích canh tác. Mô hình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ cũng cho thu nhập bình quân khoảng 320 triệu đồng/ha/năm; sản xuất nhãn mang lại thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, còn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng trên địa bàn huyện như: mô hình chuyển đổi vườn tạp (quy mô 40ha); trồng rau thủy canh trong nhà lưới (quy mô 0,3ha); sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc (quy mô 126,19ha); mô hình cấy và bón phân thông minh cho lúa (quy mô 12ha); trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP (quy mô 100ha); trồng bưởi hữu cơ (quy mô 10ha); sản xuất cá tra giống chất lượng cao theo chuỗi 3 cấp (quy mô 50ha)....

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện triển khai kịp thời như: chính sách tích tụ, tập trung đất đai, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã nông nghiệp (giai đoạn 2018 - 2023 có 29 lượt lao động được hỗ trợ). Qua đó giúp bà con nâng cao sản xuất, hợp tác xã mở rộng phương án sản xuất kinh doanh, hiệu quả hoạt động...

Đặc biệt, nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”, “Khoai lang Châu Thành - Đồng Tháp” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận, góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trong liên kết sản xuất và tiêu thụ. Thời gian qua, huyện thực hiện được 6 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ổn định các sản phẩm cá tra, lúa gạo, nhãn, sầu riêng, khoai lang, xoài, với tổng diện tích liên kết 931ha, sản lượng liên liên kết đạt khoảng 42.616 tấn, giá trị tăng thêm từ việc thực hiện các chuỗi liên kết từ 12 triệu - 15 triệu đồng/ha (cao hơn 15 triệu đồng/ha so với diện tích bên ngoài).

Nhờ phát huy tốt hiệu quả việc liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giữa các doanh nghiệp với vùng nguyên liệu đã làm gia tăng giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để tiếp tục phát huy giá trị đó, có nhiều sản phẩm của các chủ thể đăng ký, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn huyện có 35 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (15 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao), 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá phân hạng 5 sao và còn nhiều sản phẩm tiềm năng khác đang tiếp tục hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã bao bì để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, huyện còn phát huy hiệu quả phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều dự án, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh phát triển dựa vào tiềm năng của địa phương như: dự án khởi nghiệp tận dụng phụ phẩm cá tra chế biến sản phẩm snack da cá sấy của Cơ sở Quang Hiển; mô hình trồng nấm Hoàng Đế Milky bằng rơm khô tại đồng bằng sông Cửu Long”; mô hình trồng nấm linh chi đỏ; mô hình chăn nuôi và chế biến thịt heo rừng... góp phần khai thác, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp địa phương. Đây cũng là một trong những động lực chính giúp huyện Châu Thành phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-119798.aspx