Hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Huyện Cù Lao Dung là địa phương có vùng trồng cây ăn trái lớn thứ hai của tỉnh Sóc Trăng. Huyện có khoảng 5.000ha diện tích trồng cây ăn trái, gần 3.000ha trồng rau màu và khoảng 2.700ha đất trồng mía.

Tuy nhiên, do nằm cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp hai cửa biển Trần Đề và Định An nên sản xuất nông nghiệp ở huyện Cù Lao Dung chịu áp lực lớn bởi mặn xâm nhập mùa hạn. Khắc phục vấn đề này, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp các vùng chuyên canh từng bước bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết.

 Nhà vườn của anh Ông Minh Thường ở thị trấn Cù Lao Dung giới thiệu về phần mềm điều khiển tưới tiêu nước tiết kiệm thông qua điện thoại di động.

Nhà vườn của anh Ông Minh Thường ở thị trấn Cù Lao Dung giới thiệu về phần mềm điều khiển tưới tiêu nước tiết kiệm thông qua điện thoại di động.

Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, một trong số đó là phần mềm quản lý vùng canh tác giúp ngành nông nghiệp có thể quản lý và truy xuất được khu vực, diện tích đất tại địa phương sản xuất cây gì, con gì. Ngoài ra, phần mềm này còn cập nhật, tích hợp thông tin hệ thống đê, cống, cầu... tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm thông qua điều khiển bằng điện thoại thông minh, hiện đang được người dân ứng dụng rất nhiều và đang cho hiệu quả cao. Đối với các sản phẩm OCOP, huyện đã được hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc. Năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung dự định sẽ thực hiện phần mềm facefarm (nhật ký sản xuất) để thực hiện truy xuất nguồn gốc các vùng trồng.

Anh Ông Minh Thường, một nhà vườn ở ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là tôi có thể tưới tiêu cả 4ha vườn bưởi năm roi và da xanh của gia đình. Công nghệ này giúp tiết kiệm nguồn nước, sức lao động và chi phí trong sản xuất, đặc biệt là có thể thực hiện bất cứ lúc nào phù hợp cho cây trồng”. Ông Nguyễn Hồng Tiến, ở ấp An Trung A, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung), cho biết thêm: “Làng du lịch Long Ẩn được địa phương hỗ trợ giới thiệu trên nền tảng website du lịch Sóc Trăng. Ngoài ra, người dân còn quảng bá, giới thiệu trên Zalo, Facebook nên nhiều du khách trong và ngoài địa phương biết đến, chọn làm nơi tham quan, nghỉ dưỡng. Cách làm này giúp các hộ gia đình giải quyết một phần đầu ra cho trái cây và có nguồn thu nhập tăng thêm từ làm du lịch”.

Bài và ảnh: THANH NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hieu-qua-tu-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-nong-nghiep-729959