Hiệu quả từ công tác 'dân vận khéo' ở Lâm Bình
Đồng chí Trương Văn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Bình cho biết, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội của huyện Lâm Bình đã luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.
Cán bộ UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình) đến gia đình có đơn kiến nghịđể xác minh và tìm hướng giải quyết.
Huyện đã xây dựng quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân. Định kỳ hàng quý, lãnh đạo huyện đều tổ chức hội nghị giao ban với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận để lắng nghe và trực tiếp giải quyết những bức xúc của nhân dân. Đối với các xã, hàng tháng huyện đều tổ chức họp giao ban để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Đặc biệt đã có những mô hình đối thoại trực tiếp với nhân dân phát huy được hiệu quả, tiêu biểu là mô hình đối thoại trực tiếp với nhân dân tại xã Hồng Quang.
Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, việc tổ chức đối thoại với nhân dân đã giúp xã nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết. Qua đây cũng giúp lãnh đạo xã thấy được những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết ngay. Đối thoại trực tiếp cũng là cách dân vận linh hoạt, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, xây dựng được niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ năm 2011 đến nay các tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện đã đăng ký 1.234 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình tập trung vào các lĩnh vực như: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, chương trình giảm nghèo, giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự; phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc... Đến nay, đã có 31 tập thể và 48 cá nhân được nhận giấy khen, bằng khen tại các hội nghị biểu dương điển hình “Dân vận khéo”.
Cùng với đó, Huyện ủy Lâm Bình đã quan tâm đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, phát huy quyền làm chủ và nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong hoạt động giám sát. Trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức và nhân dân; chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư kịp thời, đúng quy định. Vì vậy, những vấn đề bức xúc, nổi cộm như: Tranh chấp về đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng... được giải quyết triệt để.
Phong trào thi đua Dân vận khéo ở Lâm Bình thời gian qua đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.