Hiệu quả từ công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Xác định phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, văn minh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác PCBLGĐ, qua đó đã kéo giảm số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn huyện qua từng năm.
Công tác PCBLGĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, với nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Gần đây (ngày 4-2-2020), nhằm nâng cao chất lượng công tác gia đình và PCBLGĐ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 08 yêu cầu đẩy mạnh công tác PCBLGĐ, nêu rõ công tác PCBLGĐ dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Tình trạng BLGĐ còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ BLGĐ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về PCBLGĐ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ...
Thời gian tới, Phòng VH&TT huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các biện pháp PCBLGĐ. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, PCBLGĐ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, duy trì và phát triển các mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững, Đội hoặc Nhóm PCBLGĐ…, để các gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Thời gian qua, bám sát các chủ trương, kế hoạch của cấp trên về đẩy mạnh công tác gia đình và PCBLGĐ, UBND huyện Cai Lậy đã ban hành các công văn, kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình đến các tầng lớp nhân dân, trọng tâm là Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới…; tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào các chương trình, hoạt động đặc thù của ngành, của địa phương và cơ sở để tuyên truyền có chất lượng và hiệu quả…
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Cai Lậy Đồng Thị Mười, cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Cai Lậy có 111 Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững, 110 Đội PCBLGĐ và 40 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Các mô hình này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, là những pháo đài vững chắc trong công tác tuyên truyền, vận động, hòa giải tại cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời những xung đột trong hôn nhân và gia đình, kéo giảm tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện qua từng năm. Cụ thể, năm 2014: 31 vụ, năm 2015: 17 vụ, năm 2016: 28 vụ, năm 2017: 11 vụ, năm 2018: 10 vụ BLGĐ, năm 2019 không có trường hợp vi phạm BLGĐ”.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy Lê Thị Vân cho biết, trước đây, chị em phụ nữ còn e dè, chưa mạnh dạn tố cáo hành vi BLGĐ xảy ra trong gia đình; thế nhưng, sau khi Hội LHPN cùng các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng, người dân hiểu về tác hại, những hệ lụy của BLGĐ. Đặc biệt là, những năm gần đây, các CLB Gia đình phát triển bền vững, Đội PCBLGĐ, Địa chỉ tin cậy chú trọng tuyên truyền trong nam giới, để các anh nâng cao ý thức trong việc gìn giữ gia đình hạnh phúc, mang lại hiệu quả thiết thực.
Dù số vụ BLGĐ đã giảm, nhưng đây chỉ là con số mà Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể phát hiện và can thiệp kịp thời; số vụ người bị bạo hành không khai báo mà cam chịu vẫn còn là con số ẩn chưa thể thống kê được. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng VH&TT huyện Cai Lậy, nguyên nhân chủ yếu gây ra BLGĐ do tác động của nền kinh tế thị trường, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, do lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, kết hôn sớm dễ dẫn đến hành vi BLGĐ.
Mặt khác, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế, dẫn đến thiếu tôn trọng, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ, làm phát sinh BLGĐ; một số ít cán bộ lãnh đạo ở địa phương, cơ sở chưa quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCBLGĐ; tâm lý e ngại, thờ ơ, ít quan tâm đến các trường hợp có nguy cơ bạo hành và chưa kịp thời can thiệp xử lý vụ việc BLGĐ… Vì vậy, công tác PCBLGĐ vẫn đang là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.