Hiệu quả từ Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh còn duy trì tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp được hỗ trợ trưng bày tại hội nghị do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Cán bộ, hội viên, phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp được hỗ trợ trưng bày tại hội nghị do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.Sơn

Cuộc thi thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Qua 6 lần tổ chức, số lượng ý tưởng/dự án khởi nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước; lĩnh vực khởi nghiệp ngày càng đa dạng hơn.

Nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phí Thị Thu Hà cho biết, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm nay được Hội LHPN tỉnh phát động từ tháng 3-2024. Sau 3 tháng phát động, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 82 ý tưởng/dự án khởi nghiệp của cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh gửi về, tăng 16 ý tưởng/dự án so với năm 2023.

Các ý tưởng/dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi tập trung ở các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thủ công, phát triển du lịch cộng đồng… Hầu hết các thí sinh tham gia cuộc thi đều nhằm mục đích giao lưu, học hỏi và hơn hết là có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của cá nhân, đơn vị.

Để hỗ trợ phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tạo điều kiện cho những dự án tham gia dự thi trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị do hội và một số ngành tổ chức.

Chị Trần Thị Tuyết Mai (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đem đến cuộc thi lần này Dự án Trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh. Phương pháp này không sử dụng đất và nước, mà trồng trong môi trường không khí có chứa thể bội dinh dưỡng ở dạng phun sương. Cây hấp thụ vừa đủ chất dinh dưỡng, nước nên ngon và đậm vị hơn. Từ chỗ trồng phục vụ gia đình, hiện chị Mai đầu tư 50 trụ, mỗi ngày cung cấp khoảng 10kg rau cho cửa hàng rau sạch trên địa bàn.

“Dự án của tôi vừa cung cấp rau sạch trồng bằng công nghệ khí canh, vừa hướng đến mục tiêu cung cấp, lắp đặt hệ thống trồng rau khí canh cho hộ gia đình. Do đó, tôi tham gia cuộc thi để nhiều người biết đến phương pháp trồng rau này” - chị Mai cho hay.

Cùng suy nghĩ ấy, chị Phan Ngọc Nhung (ngụ xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) đã 3 năm liên tiếp tham gia cuộc thi với mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của Ban giám khảo để hoàn thiện, lan tỏa dự án khởi nghiệp trong cộng đồng. Theo đó, năm 2022, dự án của chị liên quan đến bảo tồn và phát triển cây sầu riêng hột. Năm 2023, chị đem đến cuộc thi dự án liên quan đến du lịch sinh thái kết hợp tham quan hồ Cầu Dầu. Năm nay là Dự án Nuôi ốc bươu đen - tận dụng thực phẩm dư thừa của hồ nuôi cá nước ngọt.

Có thêm kiến thức, kỹ năng hoàn thiện ý tưởng/dự án

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phí Thị Thu Hà cho hay, sau khi nhận được các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của các tác giả/nhóm tác giả, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn tác giả/nhóm tác giả hoàn thiện ý tưởng/dự án.

Theo bà Hà, việc tập huấn, hướng dẫn trước đây chỉ dành cho các tác giả/nhóm tác giả có ý tưởng/dự án vào vòng chung kết. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tất cả tác giả/nhóm tác giả có ý tưởng/dự án tham gia cuộc thi. Trong 2 năm 2022 và 2023, việc tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, năm nay được Hội LHPN tỉnh tổ chức trực tiếp nhằm tăng sự tương tác giữa báo cáo viên và tác giả/nhóm tác giả.

Tại hội nghị tập huấn, hướng dẫn được tổ chức mới đây, tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế (Trường đại học Lạc Hồng), đã giúp các tác giả/nhóm tác giả nhận ra những điểm yếu, hạn chế trong ý tưởng/dự án của mình và những giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, các tác giả/nhóm tác giả còn được hướng dẫn viết dự án, kỹ năng thuyết trình về ý tưởng/dự án trước Ban giám khảo…

Khởi nghiệp đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chị Lê Thị Ngọc Giàu (ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cũng là lần đầu tiên chị được tập huấn, hướng dẫn.

“Tôi thấy việc tập huấn, hướng dẫn hoàn thiện dự án rất cần thiết, nhất là với những tác giả/nhóm tác giả lần đầu tiên tham gia cuộc thi như tôi. Thông qua hướng dẫn của báo cáo viên, tôi hình dung được những việc cần làm và tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi” - chị Giàu bộc bạch.

Lần thứ 3 tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cả 3 lần chị Phan Ngọc Nhung (ngụ xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) được tham gia tập huấn, hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng/dự án. Theo chị Nhung, sau 3 lần được tập huấn, chị đã tích lũy cho mình được một số kinh nghiệm. Bên cạnh việc viết ý tưởng/dự án, tác giả/nhóm tác giả cần có kỹ năng thuyết trình, trình bày đầy đủ, làm bật những nội dung cốt lõi của ý tưởng/dự án trong khoảng thời gian nhất định mà Ban tổ chức đưa ra. Để làm được điều này, sau khi ý tưởng/dự án hoàn thành, chị sẽ tập luyện thuyết trình tại nhà và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nhờ đó, 2 cuộc thi trước, dự án của chị đều được chọn vào vòng chung kết và có giải.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202407/hieu-qua-tu-cuoc-thi-phu-nu-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-ffa5fbc/