Hiệu quả từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020' theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức về đào tạo nghề của người dân huyện Gio Linh ngày càng được nâng cao, đã chủ động đăng ký tham gia học nghề; công tác đào tạo nghề được tổ chức tốt hơn, phù hợp với nhu cầu người dân và tình hình thực thực tế địa phương gắn với giải quyết việc làm... Nhiều LĐNT sau học nghề đã tạo được việc làm, áp dụng các kiến thức vào nâng cao năng suất lao động, ổn định đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

 Phát triển nghề trồng nấm ở Gio Linh -Ảnh: HA

Phát triển nghề trồng nấm ở Gio Linh -Ảnh: HA

Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên địa bàn huyện trong bối cảnh nền kinh tế của Gio Linh đang có những bước chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ; nhu cầu học nghề của người lao động lớn. Chủ trương của huyện là đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, ổn định an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề phải xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”; UBND huyện Gio Linh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT. Hằng năm, UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT; điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT; hướng dẫn các xã, thị trấn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tuyển sinh, đăng ký nhu cầu đào tạo của từng địa phương. Nhận thức của người dân về đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng được nâng cao, tỉ lệ đăng ký tham gia học nghề ngày càng tăng.

Trên địa bàn huyện có 2 cơ sở dạy nghề là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Gio Linh và Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Từ nguồn ngân sách trung ương, Trung GDNNGDTX huyện Gio Linh được đầu tư xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất với nguồn kinh phí trên 3 tỉ đồng. Trung tâm GDNN-GDTX huyện thường xuyên rà soát, điều chỉnh, biên soạn, thẩm định chương trình và tài liệu giảng dạy theo chương trình khung của Bộ LĐ,TB&XH, đảm bảo đầy đủ thời gian học lý thuyết và thực hành theo quy định. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên trung tâm thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học nghề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gio Linh Hồ Văn Thoại cho biết, 10 năm qua, trung tâm đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 4.548 LĐNT trên địa bàn huyện. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Học viên tham gia lớp học nghề khá đông đủ, chất lượng đạt theo yêu cầu đề ra. Hoạt động dạy nghề đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng lao động, quan trọng hơn là giúp LĐNT có một lượng kiến thức về khoa học- kỹ thuật cơ bản để tạo được làm việc mới hoặc phát triển nghề hiện có, tạo được việc làm ổn định hơn, thu nhập cao hơn, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tạo việc làm cho người dân đã có bước khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân. 10 năm thực hiện đề án, đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 198 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, với tổng số 5.893 học viên. Tỉ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề ở các mô hình đều đạt trên 80%. Trong quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình về dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các mô hình dạy nghề điển hình đã và đang được duy trì có hiệu quả tại các địa phương, qua đó góp phần chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm nghèo, đem lại việc làm cho người lao động, cụ thể như mô hình làm hương của bà Phan Thị Thanh và bà Lê Thị Thu Hường ở xã Linh Trường, với thu nhập khoảng 70- 80 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi của ông Lý Quang Vinh ở xã Gio Quang, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây mướp đắng của chị Nguyễn Thị Loan ở xã Gio Mỹ, thu nhập khoảng 70- 80 triệu đồng/năm… Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2010 cho đến nay, đã tổ chức đào tạo cho 3.197 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Chất lượng cán bộ, công chức xã đến năm 2020 được nâng lên rõ rệt. Về cơ bản cán bộ, công chức xã hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai và thực hiện đề án; sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan; sự hưởng ứng và tham gia của người LĐNT. Để nâng cao hơn nữa hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, huyện tổ chức đánh giá tổng thể về thực hiện đề án, khắc phục những hạn chế, mặt chưa được, phát huy những kết quả nổi bật, từ đó đưa ra kế hoạch, giải pháp cho thời gian tới đạt kết quả cao hơn.

Hoài An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152389