Hiệu quả từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên triển khai có hiệu quả Dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo.
Gia đình chị Nguyễn Thị Năm (ở xóm Náng, xã Nhã Lộng, Phú Bình) thuộc diện hộ nghèo. Mọi sinh hoạt của 2 mẹ con chị đều trông chờ vào 2 sào ruộng. Chia sẻ khó khăn với gia đình chị Năm, từ Dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, vụ đông năm 2023 gia đình chị được hỗ trợ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để trồng 1 sào khoai tây.
Chị Năm chia sẻ: Khi biết gia đình được hỗ trợ giống khoai tây tôi đã mượn 1 sào trồng màu của một hộ trong xã không sản xuất để trồng. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, gia đình tôi đã thu được 600kg củ, thu lãi được hơn 3 triệu đồng. Số tiền này tôi dành một nửa để tiếp tục mua giống khoai tây về trồng trong vụ đông năm 2024, với diện tích khoảng 3 sào.
Cùng với gia đình chị Năm, vụ đông năm 2023, trên địa bàn huyện Phú Bình còn có 220 hộ nghèo, cận nghèo tại 8 xã được hỗ trợ giống khoai tây, với quy mô 12,8ha. Các hộ tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ 100% củ cây giống, 50% vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Cùng với đó, các hộ dân còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn kỹ thuật làm đất, xử lý giống, vệ sinh làm cỏ khu vực ươm trồng…
Sau 3 tháng trồng, thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/sào, tương đương với gần 100 triệu/ha. Qua đó đã giúp 30% số hộ tham gia Dự án thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tư liệu sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, qua đó, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo bền vững của huyện. Vụ đông năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khác và quy hoạch thành vùng trồng khoai tây theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ngoài việc hỗ trợ các loại cây ngắn ngày, Dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất còn hỗ trợ các hộ dân những cây trồng lâu năm. Đơn cử như “Mô hình trồng mới cây trám đen” được triển khai tại các xã Tân Hòa, Tân Thành, Nga My. Dự án có 103 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia, quy mô 3,72ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ tổng cộng 1.575 cây trám ghép; 50% vật tư nông nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My, chia sẻ: Trên địa bàn xã hiện có hàng chục cây trám đen được trồng từ nhiều đời nay. Người dân trong xã ngoài bán trám tươi còn chế biến thành nham trám, trám muối để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do trồng từ lâu nên nhiều cây đã bị thoái hóa, có bộ khung tán cao nên khó khăn cho thu hái quả, chăm sóc và phòng trừ bệnh. Vì vậy, việc hỗ trợ cây trám ghép sẽ khắc phục được tình trạng này, đồng thời hình thành các vùng trồng trám tập trung, có nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã.
Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Là đơn vị được giao triển khai Dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương triển khai theo hướng hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; có điều kiện ruộng đất phù hợp với phát triển các loại cây trồng; các loại cây trồng phải phù hợp với Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025…