Hiệu quả từ dự án sinh kế hỗ trợ sản xuất ở xã Phú Cường
Trong những năm qua, ngoài triển khai các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, ổn định dân cư, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, giữ gìn văn hóa, phát triển giáo dục… thì dự án đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đã phát huy hiệu quả. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Trong những năm qua, ngoài triển khai các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, ổn định dân cư, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, giữ gìn văn hóa, phát triển giáo dục… thì dự án đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đã phát huy hiệu quả. Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Gia đình anh Bùi Văn Bằng và chị Bùi Thị Quân ở xóm Bưởi Cại, xã Phú Cường là hộ cận nghèo. Thu nhập chủ yếu dựa vào gần 2.000m2 ruộng và làm lao động tự do của anh Bằng. Năm 2023, dự án đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn ở huyện Tân Lạc đầu tư cho gia đình anh chị và gia đình anh Bùi Văn Ước cùng xóm con bò cái. Đây là mong ước của gia đình chị Quân bấy lâu nay. Theo thỏa thuận sau khi bò đẻ, gia đình chị bàn giao bê con cho gia đình anh Bùi Văn Ước. Chị Quân chia sẻ: Từ khi được hỗ trợ bò, gia đình tôi tập trung chăm sóc để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con, đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới.
Gia đình anh Bùi Văn Huyên cùng ở xóm Bưởi Cại, xã Phú Cường là hộ nghèo. Anh đi làm tự do, vợ ở nhà trồng cấy gần 1.000m2 lúa. Tranh thủ lúc nông nhàn vợ anh nhận nuôi chung 1 con bò với một hộ khác. Được dự án hỗ trợ, anh nuôi thêm 1 con bò cái. Sau thời gian bò đẻ bê con, gia đình có được con bò riêng của mình. Vợ anh Huyên chia sẻ, dự án đã tạo cơ hội để những hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân nghèo vùng cao.
Đồng chí Đinh Đăng Khoa, quyền Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Để mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai thực hiện hiệu quả, chính quyền xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức phụ trách, thường xuyên theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân theo hướng "cầm tay chỉ việc” để bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình. Tuy dự án mới triển khai nhưng đến nay một số hộ có bò giống đã sinh được bê con. Đàn bò của dự án phát triển tốt.
Thông qua các cuộc họp dân, chọn hộ, các nội dung, mục tiêu và định mức hỗ trợ, yêu cầu vật tư đối ứng của người dân tham gia mô hình được thông tin, triển khai đầy đủ, minh bạch. Các hộ tham gia mô hình có ràng buộc theo các quy định của dự án về tổ chức thực hiện các nội dung, tiếp nhận công nghệ, vật tư đối ứng, đảm bảo quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của dự án.
Đến nay, trên địa bàn xã Phú Cường được dự án hỗ trợ 22 con bò giống. Dự án mở ra hướng sản xuất mới, sử dụng được tiềm năng sẵn có, lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Đây là mô hình để người chăn nuôi ở địa phương học tập, làm theo, từ đó thay đổi tập quán, phương thức chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, dần hình thành được nghề chăn nuôi bò theo hướng thâm canh. Dự án góp phần hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.