Hiệu quả từ Dự án VnSAT tại huyện Châu Thành
Thời gian qua, Dự án VnSAT triển khai trên địa bàn huyện Châu Thành đã góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa...
Để thực hiện thành công dự án, UBND huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực trong 5 năm qua. Nổi bật là huyện đã thành lập và hàng năm tổ chức kiện toàn Tổ Dự án VnSAT, đồng thời xác định những vùng sản xuất lúa để thực hiện dự án.
Cụ thể, vùng Dự án VnSAT huyện Châu Thành có 6 xã, tổng diện tích là 6.983ha với 5.547 hộ nông dân tham gia canh tác. Giai đoạn 2016 - 2020, trong vùng dự án thành lập mới 4 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số toàn huyện có 7 HTX, đạt 100% chỉ tiêu. Đặc biệt, Tổ Dự án VnSAT huyện phối hợp Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh mở được 194 lớp tập huấn và nhiều mô hình trình diễn cho nông dân trong vùng dự án về mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” trên địa bàn huyện Châu Thành.
Thông qua các lớp đào tạo kỹ thuật kết hợp với hội thảo đầu bờ đã từng bước thay đổi hành vi và thói quen sản xuất lệ thuộc vào hóa chất, thay vào đó là hướng nông dân canh tác lúa an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ để giảm phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn đảm bảo, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ông Lê Bé Hùng - thành viên HTX Tân Tiến, xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, bản thân tôi được hưởng nhiều quyền lợi, nhất là các chi phí đầu tư vào sản xuất lúa được giảm do được mua phân bón, thuốc giá cả hợp lý, sản phẩm làm ra được bao tiêu, tôi thấy rất vui mừng và phấn khởi”.
Anh Nguyễn Phạm Trung Khoa - Phó Giám đốc HTX Tân Tiến, ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành thông tin thêm: “Thời gian qua, HTX được Ban Quản lý VnSAT tỉnh mở các lớp tập huấn về canh tác lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và sản xuất lúa giống. Sau khi được tập huấn, hiện có 112ha lúa của 81 hộ nông dân trong HTX vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế đồng ruộng của mình. Nhờ áp dụng mô hình trên mà bà con tăng thêm lợi nhuận từ 1 - 4 triệu đồng/ha (tùy vụ) so với cách làm truyền thống, qua đây góp phần nâng cao đời sống cho nông dân”.
Ngoài tập trung hỗ trợ kỹ thuật, trong 5 năm qua, Ban Quản lý VnSAT tỉnh còn tổ chức xét, chọn và tiến hành đầu tư cho 3 HTX trên địa bàn huyện Châu Thành là HTX Phước An - xã Phú Tân, HTX Thọ Hòa Đông A - xã Phú Tâm và HTX Tân Tiến - xã Hồ Đắc Kiện về cơ sở hạ tầng, như: lò sấy lúa, kho chứa, cầu, đường dẫn vào HTX… Qua đây đã tạo điều kiện cho nông dân trong vùng dự án được thuận lợi trong sản xuất lúa, cũng như có kho dự trữ lúa khi gặp lúc giá lúa thấp nên không bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, Tổ Dự án VnSAT huyện Châu Thành còn kết nối với doanh nghiệp tham gia cùng nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên tạo tâm lý an tâm canh tác lúa cho bà con.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Tổ Dự án VnSAT huyện Châu Thành tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tập huấn nông dân để bà con ứng dụng được những nội dung của dự án trên cánh đồng của mình. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân, HTX đạt tiêu chí dự án để phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với vùng chuyên canh, phát triển cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện phối hợp tốt giữa doanh nghiệp với người nông dân. Song song đó, sẽ vận động nông dân tiếp tục tham gia vào các tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nhân rộng tại địa phương.