Hiệu quả từ liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo
Tỉnh ta có diện tích sản xuất lúa lớn, đạt hơn 231.000 ha/năm, năng suất bình quân đạt 58,3 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy là cây trồng chính, với diện tích sản xuất lớn song, giá trị sản xuất lúa gạo không cao.
Các sản phẩm trong chuỗi sản xuất lúa gạo của Công ty CP Sao Khuê được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2020, giá trị sản xuất lúa gạo toàn tỉnh ước đạt 6.700 tỷ đồng, chiếm 49% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; hiệu quả sản xuất lúa đạt tỷ lệ lợi nhuận từ 30 - 35% so với vốn đầu tư, trong đó cao nhất 24,1 triệu đồng/ha/vụ.
Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa gạo, tỉnh ta đã khuyến khích các địa phương đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng vào canh tác; xây dựng cánh đồng lúa mẫu lớn; vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, chỉ đạo các HTX chú trọng tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Một số địa phương đã hình thành được chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất lúa gạo, như: Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương...
Việc thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo tại huyện Quảng Xương được bắt đầu từ vụ đông xuân 2018-2019 với mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 20 ha và 80 hộ dân tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa Bắc Thịnh, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học. Sau khi thu hoạch, chất lượng lúa bảo đảm, năng suất đạt 65 tạ/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa được Công ty CP Bắc Trung Bộ thu mua, đưa vào chế biến, tiêu thụ. Từ thành công của mô hình, diện tích lúa liên kết được mở rộng lên 150 ha, với 300 hộ dân tham gia sản xuất. Năng suất lúa đạt 65 tạ/ha, tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Lợi nhuận trung bình đạt từ 20 đến 25 triệu đồng/ha/vụ. Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Trong các chuỗi liên kết, lúa được trồng cùng trà, cùng giống, liền vùng, liền thửa rất dễ quản lý, chăm sóc, năng suất, chất lượng đồng đều. Đồng thời, sản phẩm lúa được doanh nghiệp thu mua 100%, giúp người dân giảm tối đa các rủi ro trong khâu tiêu thụ. Ngoài ra, từ các chuỗi liên kết được hình thành góp phần định hướng cho người dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát huy liên kết 4 nhà, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, diện tích lúa, gạo được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 10 nghìn ha (chiếm 4,25% diện tích sản xuất toàn tỉnh). Qua đó, hình thành được 193 chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo. Trong đó, có nhiều chuỗi sản xuất điển hình, đạt giá trị kinh tế cao, như: chuỗi liên kết giữa Công ty CP Thương mại Sao Khuê với người dân ở các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung..., với tổng diện tích hơn 800 ha; chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo VietGAP giữa Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong tại các xã Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Nghĩa, Tế Lợi (Nông Cống); sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, với diện tích khoảng 70 ha tại các huyện Hà Trung; Ngọc Lặc, Thạch Thành, Quan Hóa...
Ông Vũ Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Lúa, gạo là một trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh. Do đó, để nâng cao hiệu quả từ sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa doanh nghiệp với người nông dân là một trong những giải pháp hữu hiệu. Thực tế sản xuất cho thấy, lúa gạo sản xuất theo chuỗi liên kết đạt giá trị kinh tế cao hơn từ 15 - 25% so với sản xuất thông thường. Ngoài ra, từ những chuỗi liên kết hiệu quả, tỉnh ta đã có các sản phẩm, như: “Gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang” của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long (Hà Trung); “Gạo sạch Hương Quê” của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn (Nông Cống); “Gạo Thanh Hương 2” của Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn); gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh của HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) được xếp hạng 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh và nhiều sản phẩm chế biến từ lúa, gạo được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, như: miến gạo Thăng Long (Nông Cống); bánh lá răng bừa (Thọ Xuân),....