Hiệu quả từ mô hình 'Đối thoại giữa Bí thư với người dân'
Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình 'Đối thoại giữa Bí thư với người dân'.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2012, sau hai lần hoàn thiện bằng các quy định rõ ràng của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đến nay, mô hình này khá thành công, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy và mở rộng quyền dân chủ của nhân dân.
Từ năm 2012, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có Quyết định 2539-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư các cấp ủy Đảng trong tỉnh đối với nhân dân. Đến năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Quyết định 454-QĐ/TU và năm 2019 là Quyết định 1575-QĐ/TU để tiếp tục hoàn thiện quy chế này.
Theo đó, Quy chế yêu cầu Bí thư các cấp phải đảm bảo tiếp dân theo định kỳ ít nhất 1 ngày/tháng đối với Bí thư cấp ủy cấp huyện; 2 lần/tháng đối với Bí thư cấp ủy cấp xã. Tiếp dân đột xuất, đối thoại trực tiếp với nhân dân ít nhất 1 lần/quý đối với Bí thư cấp ủy cấp huyện và cấp xã, riêng đối với Bí thư cấp ủy cấp xã vùng miền núi chỉ 1 lần/6 tháng. Đối với Bí thư Tỉnh ủy, ngoài việc tiếp dân theo định kỳ còn đối thoại với nhân dân ít nhất 1 lần trong 6 tháng. Cách làm sáng tạo này của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh ủng hộ.
Đến nay, người dân Quảng Ngãi vẫn nhắc đến sự kiện năm 2013, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng khi đó đã đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (nay là xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi) về vụ việc doanh nghiệp khai thác cát gây ảnh hưởng cuộc sống của bà con. Sau cuộc đối thoại, vấn đề tưởng chừng như bế tắc đã được giải quyết và xử lý tốt, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân.
“Không chỉ kịp thời giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân, thông qua các buổi đối thoại, nhiều sai phạm, sai sót của chính quyền ở địa phương cũng được khắc phục”, ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi chia sẻ.
Bên cạnh đó, qua các buổi tiếp xúc, đối thoại với dân, người đứng đầu cấp ủy được lắng nghe, phát huy tính dân chủ một cách trực tiếp. Nhiều trường hợp, Bí thư, lãnh đạo chính quyền trực tiếp công khai nhận lỗi và xin lỗi người dân, như trường hợp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính xin lỗi người dân ở xã Nghĩa Kỳ vì đã để sự việc quá lâu mà không giải quyết nguyện vọng cho bà con khi phải sinh sống ở quá gần với bãi rác Nghĩa Kỳ. Trường hợp các đơn vị thi công khi thực hiện dự án thép Hòa Phát Dung Quất gây ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, khi đó, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư đã tổ chức đối thoại trực tiếp và tại buổi đối thoại này. Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã nhận lỗi với bà con.
Việc nhận lỗi trước nhân dân của người đứng đầu cấp ủy khi cấp dưới làm sai, đã thể hiện của vai trò của người đứng đầu, vai trò nêu gương, nói phải đi đôi với làm... Đây cũng chính là sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo được sự gần gũi với nhân dân, củng cố dần niềm tin của dân với Đảng.
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong quá trình tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy các cấp với dân, khoảng 85% vụ việc đã được giải quyết, trong đó nhiều vụ việc được giải quyết triệt để. Hiện nay, hầu hết các địa phương thực hiện khá tốt và đưa mô hình này đi vào nề nếp, trở thành công việc thường xuyên.
Thấy được hiệu quả từ việc đối thoại trực tiếp, Bí thư cấp ủy cấp huyện ở một số địa phương còn tổ chức đối thoại trực tiếp từ 7 đến 8 lần/năm như huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi.
Ông Hoàng Thường, người dân ở phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi cho rằng: “Người dân rất khó có dịp để chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình lên chính quyền địa phương. Do đó, việc lãnh đạo tỉnh hay Bí thư cấp ủy đối thoại trực tiếp với người dân đã tạo cho dân sự tin tưởng. Tôi mong rằng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại trực tiếp với dân để hiểu dân và chia sẻ những khó khăn đối với nhân dân chúng tôi”.
Thông qua việc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy, lãnh đạo chính quyền với người dân, nhiều vụ việc bức xúc không những được tháo gỡ mà còn giúp các cấp ủy Đảng chấn chỉnh lại lề lối làm việc của các cơ quan, ban ngành và địa phương. Đơn cử như cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với người dân ở bãi rác Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) vào tháng 8/2020 vừa qua đã giúp cho nhiều người dân đồng thuận với chính quyền địa phương về các phương án xử lý rác tại bãi rác Nghĩa Kỳ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương, tránh được các vụ việc khiếu kiện, tập trung đông người không đáng có.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết: “Nổi bật trong công tác xây dựng Đảng cũng như công tác dân vận, mô hình đối thoại, tiếp xúc của Bí thư các cấp ủy Đảng với người dân, cũng như đối thoại của chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng nhân dân đã tạo được sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ và thấu hiểu lẫn nhau trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ”.
Rõ ràng, thông qua kênh tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, người đứng đầu sẽ thu nhập được nhiều thông tin hữu ích, đó là thông tin về cách xử lý, ứng xử công việc của cán bộ cấp dưới, những tồn tại ở cơ sở… Do đó, Quảng Ngãi cần tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt hơn nữa việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với dân để tạo được niềm tin tưởng của người dân đối với chính quyền, đối với Đảng.