Hiệu quả từ mô hình hòa giải dân sự tại tòa án

Một năm, tại 6 tỉnh, thành phố hòa giải thành công gần 40.000 vụ việc

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 16 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân. Qua gần 10 tháng triển khai mô hình, đã có nhiều chuyển biến và đạt những kết quả ban đầu tích cực.

Việc giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức hòa giải, đối thoại là phù hợp với xu thế chung và mang lại hiệu quả cho tất cả các bên, hơn là phải chờ đến một phiên tòa dân sự có phán quyết của tòa.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố (từ tháng 11-2018 đến tháng 10-2019 và sẽ kéo dài thêm nếu điều kiện cho phép), trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Một buổi hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sau thời gian triển khai thí điểm từ ngày 1-11-2018 đến ngày 20-8-2019, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố và 9 Tòa án nhân dân quận, huyện (trung tâm) đã thụ lý 9.991 đơn, trong đó có 2.571 đơn không hòa giải đối thoại được do đương sự không đồng ý hòa giải, đối thoại; số vụ được đưa ra hòa giải, đối thoại 6.501, số vụ hòa giải thành 5.189 vụ, đạt tỷ lệ 79,82%.

Đặc biệt, nhiều trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện có số lượng hòa giải thành đạt kết quả cao, điển hình là Trung tâm quận Bình Tân hòa giải, đối thoại thành công được 1.198 vụ việc/1.231 tổng số vụ việc, đạt tỷ lệ là 97,31%.

Những kết quả tích cực mà mô hình thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân đạt được đã góp phần quan trọng để Tòa án nhân dân Tối cao sớm hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế sau thời gian thực hiện thí điểm. Đó là, người dân và một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc hòa giải, đối thoại nên nguồn tiếp nhận đơn khởi kiện chủ yếu đến từ việc tòa án chuyển đơn sang các trung tâm.

Cá biệt, có những trung tâm từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa nhận trực tiếp đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại của đương sự, như Trung tâm thành phố, quận 1, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh và huyện Củ Chi. Đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng, người khởi kiện là ngân hàng có nhiều trường hợp từ chối hòa giải tại trung tâm. Số lượng hòa giải viên, đối thoại viên, thư ký chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả việc mở rộng thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án, ông Lê Thanh Phong, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Tòa án nhân dân thành phố sẽ khuyến khích xây dựng đội ngũ hòa giải viên chất lượng cao, điều kiện làm việc tốt để thu hút được lực lượng ngoài biên chế nhà nước có trình độ chuyên môn, đã được đào tạo, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm để tham gia hòa giải, đối thoại các tranh chấp, khiếu kiện.

Còn theo ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, để việc này bảo đảm hiệu quả, thực chất, cần tuyên truyền sâu rộng từ cấp xã, phường, thị trấn để người dân nắm rõ vai trò của công tác hòa giải, đối thoại từ cơ sở.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/949308/hieu-qua-tu-mo-hinh-hoa-giai-dan-su-tai-toa-an