Hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp và kinh nghiệm sản xuất, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Như Phúc có thu nhập ổn định từ việc tạo lũ giả kích hẹ nước mọc nghịch mùa

Gia đình ông Nguyễn Như Phúc có thu nhập ổn định từ việc tạo lũ giả kích hẹ nước mọc nghịch mùa

Tạo lũ giả, kích hẹ nước mọc nghịch mùa

Cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Như Phúc (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) quyết định bơm nước vào ruộng, tạo lũ giả cho hẹ nước mọc nghịch mùa. Với việc xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ hẹ nước làm năng suất của 2 loại cây trồng này nâng lên đáng kể, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông.

Ông Phúc chia sẻ: “Tháng 5, tôi tiến hành cày xới đất, sau đó bơm nước vào khoảng 2cm ngâm cho mầm hẹ nước phát triển. Khoảng 20 ngày, mầm hẹ nước phát triển đến đâu, tôi bơm nước đến đó, canh sao cho nước không ngập quá sâu và bón phân để hẹ nước phát triển tốt. Hẹ nước được 50 ngày bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2-3 tháng. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Năm nào hẹ nước phát triển tốt, tôi thu hoạch 7-8 tấn, ít thì 5-6 tấn, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận 50 triệu đồng với diện tích 1,2ha”.

Theo ông Phúc, không phải loại đất nào cũng trồng được hẹ nước. Nguyên nhân đất ông trồng được hẹ nước do đây là vùng đất phèn và từng có hẹ nước mọc tạo thành mầm hẹ nước sẵn. Khi thu hoạch hẹ nước, ông không thu hoạch hết mà thường giữ lại một ít để mầm hẹ cho mùa sau. Riêng những phế phẩm từ hẹ nước được ông tận dụng ủ thành phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng khác.

Ông Phúc cho biết: “Hẹ nước nghịch mùa được thương lái thu mua với giá cao. Hơn hết, sau khi thu hoạch hẹ nước, trồng lại lúa thì năng suất cao, chi phí sản xuất thấp. Ngoài tăng thu nhập từ việc tạo lũ giả để trồng hẹ nước, gia đình tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động ở địa phương, với thu nhập trên 200.000 đồng/người/ngày”.

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp nuôi heo rừng

Anh Nguyễn Thanh Toàn có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ mô hình Nuôi heo rừng

Ban đầu, anh Nguyễn Thanh Toàn (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) mua 2 con heo rừng giống với giá 20 triệu đồng để nuôi nhằm mục đích đãi khách hoặc đám tiệc trong gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy heo rừng là động vật dễ nuôi, ít bệnh, nhất là thức ăn cho heo rừng dễ tìm, có thể tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, cây cỏ xung quanh nhà. Do đó, anh quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo rừng với diện tích 300m2.

Anh Toàn bộc bạch: “Hiện đàn heo rừng của gia đình có trên 80 con, trong đó, heo nái gần 10 con. Trung bình, heo nái đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 5-8 con. Heo con nuôi từ 7-8 tháng đạt trọng lượng 18kg là có thể xuất chuồng, bán với giá 120.000 đồng/kg. Kỹ thuật nuôi heo rừng không khó nhưng người nuôi cần vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại thường xuyên, trung bình 1 tháng sát khuẩn 1 lần nhằm cắt hết mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài ra, heo rừng dễ mắc bệnh tiêu chảy nên người nuôi cần phải cho heo uống nước qua hệ thống lọc”.

Hiện gia đình anh Toàn trồng gần 1ha mít Thái. Những trái mít hư, thương lái dạt không mua được anh tận dụng làm thức ăn cho heo rừng. Ngoài ra, anh tận dụng rau muống, cây cỏ xung quanh nhà làm thức ăn cho heo. Trung bình, anh chỉ cho heo rừng ăn cám 1 lần/ngày vào buổi sáng, các bữa ăn còn lại chủ yếu là tận dụng các phế phẩm nông nghiệp. Với việc nuôi heo rừng “lấy công làm lời”, anh Toàn có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Bằng sự nhạy bén, cần cù, chịu khó cộng với kinh nghiệm, nhiều nông dân có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Và mô hình Tạo lũ giả kích hẹ nước mọc nghịch mùa và Nuôi heo rừng của ông Phúc, anh Toàn đã khẳng định điều này, góp phần mở ra hướng đi mới cho nông dân./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-a162731.html