Hiệu quả từ mô hình rẫy mẫu ở Thuận An

Nhiều rẫy mẫu ở xã biên giới Thuận An (Đắk Mil) được quy hoạch, phát triển một cách bài bản, đáp ứng các tiêu chí 'vườn mẫu - rẫy mẫu' trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Các rẫy mẫu đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Cách đây hơn 3 năm, gia đình anh Trần Trường Thái, ở thôn Đức An, xã Thuận An tái canh vườn cà phê già cỗi rộng 1,8 ha. Anh thuê người, máy móc nhổ cây, cải tạo đất bài bản. Đầu mùa mưa năm 2018, anh đồng loạt trồng mới giống cà phê dây trên diện tích này.

Nhờ dày công chăm sóc, vườn cà phê của anh Thái sinh trưởng, phát triển tốt. Vườn cây bắt đầu thu bói năm 2020 và vụ năm nay cho thu hoạch chính. Anh Thái ước tính vườn cà phê khoảng 1.800 cây, năng suất trung bình khoảng 5 kg/cây thì tổng sản lượng khoảng 9 tấn. Năm nay giá cà phê tăng cao nên mang lại cho gia đình thu nhập đáng kể.

 Rẫy cà phê đạt mẫu của anh Trần Trường Thái cho năng suất trên 5 tấn/ha

Rẫy cà phê đạt mẫu của anh Trần Trường Thái cho năng suất trên 5 tấn/ha

Theo anh Thái, gia đình anh áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Vườn cà phê của gia đình anh được chính quyền địa phương đánh giá cao, công nhận đạt chuẩn vườn - rẫy mẫu theo tiêu chí NTM.

 Vườn cà phê dây 1,8 ha của gia đình anh Trần Trường Thái được công nhận vườn mẫu - rẫy mẫu

Vườn cà phê dây 1,8 ha của gia đình anh Trần Trường Thái được công nhận vườn mẫu - rẫy mẫu

Cách rẫy của gia đình anh Thái không xa, vườn rẫy rộng 3 ha của gia đình ông Trần Văn Toàn, cùng thôn Đức An cũng được công nhận mô hình rẫy mẫu. Nhờ diện tích rộng, ông Toàn quy hoạch các khuôn viên, vườn tược khá bài bản.

Khu vực rẫy, ông trồng hồ tiêu và sầu riêng xen với vườn cà phê. Ông Toàn xây dựng khu vực chăn nuôi và đào ao sâu thả cá. Ông cũng dành riêng một khu để xây dựng nhà ở sinh hoạt, lò sấy và nhà kho bảo quản nông sản.

Ông Toàn ước tính 1 ha rẫy cho thu khoảng 4 tấn tiêu và gần 3 tấn cà phê. Ngoài ra, ông còn có thêm nguồn thu nhờ khu vực chăn nuôi, ao cá.

“Mình làm rẫy này lâu rồi nhưng áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ mấy năm trở lại đây. Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi giúp mình có thu nhập cao, có lợi cho sức khỏe và tạo được công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Sau này già, mình có nơi để an dưỡng như vậy là vui lắm rồi”, ông Toàn chia sẻ.

 Rẫy hồ tiêu xen cà phê đạt mẫu của gia đình ông Trần Văn Toàn cho năng suất vượt trội

Rẫy hồ tiêu xen cà phê đạt mẫu của gia đình ông Trần Văn Toàn cho năng suất vượt trội

Đây chỉ là 2 trong số 5 mô hình vườn mẫu - rẫy mẫu tại xã NTM Thuận An. Theo Chủ tịch UBND xã Thuận An Trần Khắc Dũng, đây là các vườn - rẫy mẫu được quy hoạch bài bản và có chứng nhận thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Những rẫy này có cảnh quan, đường đi lại, hệ thống nước tưới hợp lý, có xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Các chủ rẫy tham gia và có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực đang canh tác trên rẫy. Trung bình, các rẫy mẫu mang lại cho người dân thu nhập bình quân 320 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Dũng, thời gian tới, Thuận An sẽ xây dựng xã NTM nâng cao. Trong đó, xã sẽ tập trung xây dựng thêm các mô hình vườn mẫu - rẫy mẫu.

Để hỗ trợ người dân, Thuận An sẽ hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ trong các rẫy mẫu. Ngoài ra, xã sẽ liên kết tiêu thụ nông sản tại các rẫy mẫu để người dân nâng cao giá trị sản xuất.

Bài, ảnh: Lê Phước

1,918

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-mo-hinh-ray-mau-o-thuan-an-90795.html