Hiệu quả từ mô hình sản xuất đa canh
Ông Hai Phong có thu nhập khá từ mô hình sản xuất đa canh - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh và đầu ra, các địa phương đã chuyển từ hình thức sản xuất chuyên canh sang sản xuất đa canh, giúp nông dân thích nghi với hiện tại.
Giảm rủi ro
Ông Trần Văn Thứ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lúa, cũng như các hộ khác trong vùng, trước đây vợ chồng tôi chỉ chuyên canh cây lúa trên diện tích hơn 5.000m2. Mỗi năm sản xuất được 2 vụ, bình quân năng suất thu hoạch khoảng 300kg/sào, mang lại thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm. Vì thu nhập thấp nên hết mùa lúa vợ chồng tôi phải đi làm thuê đủ nghề mới đủ chi phí trang trải cho gia đình.
Từ năm 2014 đến nay, khi thấy nhiều hộ dân trong vùng chuyển đổi một vụ lúa sang trồng bắp, sắn nước kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên gia đình tôi học tập theo. Trên diện tích đất trồng lúa này mỗi năm tôi chỉ sản xuất một vụ lúa đông xuân, còn vụ hè thu thường xuyên bị thiếu nước nên chuyển sang trồng bắp và đậu. Tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp tôi nuôi thêm 3 con bò cái sinh sản.
Ngoài ra, tôi còn cải tạo 3 sào đất thổ lâu nay bỏ hoang để trồng một vụ sắn nước và một vụ hoa lay ơn. Với mô hình sản xuất đa canh này, nhiều năm nay gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định, không còn phải bươn chải làm thuê đủ nghề. Lúc trước chỉ chuyên canh cây lúa, mùa nào lúa được mùa được giá còn đỡ, còn gặp năm nắng hạn, mưa bão sớm, lúa mất mùa, giá giảm thì coi như trắng tay. Còn nay, nhờ sản xuất đa canh, thu nhập có được từ nhiều nguồn nên rủi ro được chia nhỏ.
Theo Sở NN-PTNT, với đặc điểm đa dạng cây trồng, vật nuôi thích hợp với nhiều vùng đất, địa hình nên thời gian qua, các địa phương đẩy mạnh mô hình sản xuất đa canh đến với người dân, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Nguyễn Siêng, nếu như trước đây, huyện Phú Hòa là vùng chuyên canh cây lúa, bà con địa phương gần như chỉ độc canh cây lúa nước, thì nay sau nhiều năm chuyển đổi, hầu hết người dân đã biết xây dựng, áp dụng các mô hình sản xuất đa canh, trong đó phối hợp giữa trồng lúa, rau màu và chăn nuôi giúp hạn chế thấp nhất rủi ro trong làm nông.
Trong khi đó, ở các vùng đồi núi, tận dụng diện tích đất đai rộng lớn, người dân phát triển mô hình trồng rừng kết hợp sản xuất dưới tán rừng. Ông Nguyễn Văn Được ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: Từ năm 2013 đến nay tôi bắt đầu trồng rừng kinh tế. Ban đầu tôi mua lại rẫy keo rộng 2ha của người dân địa phương, sau đó về cải tạo, quy hoạch lại.
Trong khuôn viên rừng keo này tôi dọn bỏ khoảng 2 sào keo cây nhỏ, phát triển chậm để xây dựng khu trại nuôi heo rừng, gà đá, bò và đào một ao nuôi cá nước ngọt. Đồng thời dưới tán rừng tôi còn trồng thêm một số diện tích gừng và măng tre. Sau hơn 6 năm gầy dựng, mô hình sản xuất của tôi đang phát triển rất ổn định.
Theo ông Được, nhờ sản xuất đa dạng cây trồng và vật nuôi nên nguồn thu từ trại của gia đình ông luôn ổn định. Năm nào bò mất giá thì ngưng bán, lấy nguồn thu từ heo, gà, măng... thay vào. Hoặc khi keo mất giá thì không thu hoạch, có thể đợi thêm một vài năm cho keo lớn hơn, có giá cao mới thu hoạch.
Tăng hiệu quả kinh tế
Không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà những mô hình sản xuất đa canh còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Được cho biết: Vừa qua, khi keo được giá tôi đã cho thu hoạch toàn bộ diện tích mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ nuôi bò, heo, gà, cá và các loại cây trồng khác tôi còn có nguồn thu hơn 150 triệu đồng/năm.
Theo ông Được, lúc trước vợ chồng ông chỉ chuyên nuôi heo thịt, mỗi năm xuất được 4 lứa mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Từ khi chuyển sang sản xuất theo mô hình này, nguồn lợi nhuận mang về cao hơn hẳn và không phải nơm nớp sợ giá hạ, dịch bệnh.
Còn theo ông Hai Phong, chủ một trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả và nuôi ong lấy mật ở xã Hòa Kiến, hiện trang trại của ông rộng 9ha, trong đó 4ha trồng cây bạch đàn lấy gỗ, 5ha còn lại ông trồng các loại cây ăn quả như ổi, lê, mãng cầu và mít.
Tận dụng nguồn mật từ rừng, vườn cây ăn trái và các cánh đồng trồng hoa màu trong vùng, ông đặt 70 thùng nuôi ong ruồi lai dưới tán rừng. Với mô hình sản xuất này, mỗi năm gia đình ông Phong có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/225557/hieu-qua-tu-mo-hinh-san-xuat-da-canh.html