Hiệu quả từ một bài báo
Chồng hy sinh ngày 17/2/1979 tại biên giới Tây Nam, vậy mà, hơn 30 năm sau (27/7/2011), bà Bùi Thị Tượn mới được công nhận và hưởng chế độ vợ liệt sỹ.
Ông Bùi Văn An, nguyên Bí thư Đảng ủy; ông Bùi Văn Khự, nguyên Chủ tịch UBND xã và bà Bùi Thị Ánh, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Thượng (huyện Cao Phong, Hòa Bình)
đều ghi nhận, nếu không có tác phẩm “Một người vợ liệt sỹ 30 năm không được hưởng chế độ vợ liệt sỹ” đăng trên báo thì đến lúc chết, bà Tượn cũng chưa được công nhận và hưởng chế độ vợ liệt sỹ.
Nội dung đơn đề nghị của bà Bùi Thị Tượn, cư trú tại xóm Um, xã Yên Thượng (Cao Phong, Hòa Bình) gửi báo rất ngắn gọn, chữ viết tay chưa hết một trang giấy khổ A4, nhưng chất chứa tất cả nỗi niềm của người vợ liệt sỹ.
Được Ban biên tập giao xác minh nội dung đơn bà Tượn, tôi đến làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Cao Phong. Tiếp tôi là một cán bộ chuyên môn phòng LĐTBXH. Sau khi liếc nhìn lá đơn của bà Tượn, anh này cười, rồi nói rằng trường hợp này Phòng tiếp nhận cả tập đơn rồi, năm nào bà ấy (bà Tượn) cũng về đây khiếu nại, nhưng không có căn cứ để giải quyết. Rồi, anh cán bộ khuyên: “Anh lên Yên Thượng làm gì cho mất thời gian. Đường đèo dốc, khó đi lắm”.
Mặc cho sự can ngăn của anh cán bộ nọ, tôi vẫn lên Yên Thượng. Khác hẳn với thái độ của cán bộ phòng LĐTBXH huyện Cao Phong, khi nghe tôi trình bày nội dung công việc, ông Bùi Văn An, Bí thư Đảng ủy; ông Bùi Quang Cảnh, Chủ tịch UBND xã rất niềm nở và sốt sắng. Ông An nói: "Trường hợp bà Tượn, đã hàng chục năm nay chính quyền xã, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ cùng với bà Tượn liên tục làm đơn đề nghị lãnh đạo huyện, phòng LĐTBXH giải quyết, nhưng không được, thiệt thòi cho bà Tượn quá. Là người đứng đầu xã, chúng tôi cũng thấy có lỗi với người đã khuất (liệt sỹ Bùi Văn Cường), có lỗi với bà Tượn".
Ngay sau đó, ông Cảnh cho người gọi ông Bùi Văn Khự, nguyên Chủ tịch UBND xã thời kỳ 1966 – 1987, bà Bùi Thị Ánh, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã giai đoạn 1962 – 1991 cùng một số người cao tuổi ở xóm Um đến văn phòng UBND xã để cung cấp thông tin chứng minh bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường.
Ông Bùi Văn Khự cho biết: Liệt sỹ Bùi Văn Cường và bà Bùi Thị Tượn kết hôn đầu tháng 11/1976, lúc đó cả hai người vừa tròn 18 tuổi. Do gia đình anh Cường có đông anh em trai, trong khi nhà bà Tượn lại chỉ có 4 chị em gái nên anh Cường được bố mẹ cho đi ở rể. Tháng 6/1977, Bùi Văn Cường cùng 15 thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ. Hơn một năm sau, địa phương và gia đình bà Tượn nhận được giấy báo tử liệt sỹ Bùi Văn Cường hy sinh ngày 17/2/1979 tại mặt trận biên giới Tây Nam.
Chồng đã hy sinh nhưng bà Bùi Thị Tượn lại không được công nhận là vợ liệt sỹ, vì trong giấy báo tử, mục ghi họ tên vợ không ghi tên bà Bùi Thị Tượn mà bỏ trống. Ngay sau đó, chính quyền xã và bà Tượn đã làm đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh xem xét công nhận bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường, nhưng không được giải quyết.
Theo bà Bùi Thị Ánh, Yên Thượng là xã vùng cao, cách xa trung tâm huyện gần 30 km đường núi. Trước năm 2000, xã Yên Thượng chưa có đường ô tô. Vì bà Tượn trình độ văn hóa thấp, ít giao tiếp, thậm chí nói tiếng phổ thông chưa sõi, với trách nhiệm của người Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nên những lần xuống huyện, lên tỉnh đưa đơn, bà Ánh đều phải đi với bà Tượn, mỗi chuyến đi thật nhọc nhằn, đi bộ cả nửa ngày đường mới đến nơi. Tuy nhiên, vất vả là thế nhưng khi gặp cán bộ phòng LĐTBXH, hai bà chỉ nhận được câu trả lời không đủ căn cứ để công nhận bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường.
Ông Khự khẳng định, ông là người đại diện chính quyền trao giấy kết hôn cho ông Cường, bà Tượn. Năm 1978, nhà bà Tượn bị hỏa hoạn, tất cả đồ đạc bị cháy hết, trong đó có giấy kết hôn của ông Cường, bà Tượn. Sổ sách của UBND xã cũng không thể lưu trữ, bảo quản được đầy đủ, văn phòng làm việc chưa có nói gì đến tủ đựng tài liệu. Thế mà cán bộ huyện lên giải quyết đơn bà Tượn cứ đòi hỏi phải có hồ sơ gốc, phải có giấy đăng ký kết hôn bản gốc, trong khi gia đình đã có biên bản họp họ, chính quyền, các đoàn thể trong xã đều xác nhận bà Tượn là vợ liệt sỹ Cường. Tiếc rằng, cán bộ chuyên môn quá máy móc, chỉ căn cứ vào giấy báo tử mà không tôn trọng thực tế.
Ông Bùi Quang Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dù cấp trên không công nhận bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ, nhưng với tấm lòng, đạo lý đền ơn đáp nghĩa, chính quyền, nhân dân và Hội Cựu chiến binh xã Yên Thượng đã góp công, góp của làm ngôi nhà tình nghĩa tặng bà Bùi Thị Tượn. Đó là món quà nghĩa tình động viên, an ủi người vợ liệt sỹ đã hơn 30 năm thờ chồng mà không được công nhận, không được hưởng chế độ của vợ liệt sỹ.
Nói lời chia tay khi tôi xuống núi, ông An, ông Khự, bà Ánh gửi gắm niềm tin: “Nhà báo đã về tận địa phương tìm hiểu sự việc, chúng tôi mong rằng trong một ngày gần nhất, chính quyền, nhân dân xã Yên Thượng, đặc biệt là bà Tượn sẽ được đón nhận tin vui”.
Ít ngày sau tôi đã hoàn thành bài viết với tiêu đề “Một người vợ liệt sỹ 30 năm không được hưởng chế độ vợ liệt sỹ”. Bài báo đã có tác động mạnh không chỉ với lãnh đạo huyện Cao Phong mà cả các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch UBND huyện Cao Phong trực tiếp gặp, làm việc với Tòa soạn và tôi về nội dung bài báo. Ít lâu sau, Tòa soạn nhận được công văn phúc đáp của UBND huyện Cao Phong về nội dung bài báo. Và, hơn một tháng sau, đúng ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2011, UBND huyện Cao Phong đã mời tôi tham dự buổi ghi nhận bà Bùi Thị Tượn là vợ liệt sỹ Bùi Văn Cường và trao chế độ vợ liệt sỹ cho bà Bùi Thị Tượn. Buổi lễ diễn ra tại Văn phòng UBND xã Yên Thượng.
Chứng kiến niềm vui của người vợ liệt sỹ hơn 30 năm mòn mỏi, khắc khoải đợi chờ 3 chữ “vợ liệt sỹ” của bà Bùi Thị Tượn, làm nghề báo đã hơn 30 năm, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc, tự hào và càng trân trọng hơn nghề của mình.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/hieu-qua-tu-mot-bai-bao-303190.html