Hiệu quả từ một công trình cấp nước sinh hoạt
Trên cơ sở sự đồng thuận của chính quyền, năm 2018, người dân đã đóng góp xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy tại xóm Bầu 2, xã Văn Yên (Đại Từ) với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng đến nay, công trình đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho khoảng 400 hộ dân tại các xóm Giữa 1, Giữa 2, Dưới 3.
Chúng tôi đến gia đình bà Trần Thị Hiến, xóm Dưới 2, xã Văn Yên đúng lúc gia đình đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Nhanh tay lấy chậu hứng nước rửa mớ rau mới hái từ vườn nhà, bà Hiến phấn khởi chia sẻ: Từ ngày có công trình xã hội hóa nước sinh hoạt do anh Biên quản lý, việc nấu nướng, giặt giũ thuận tiện hơn hẳn nhà báo ạ. Trước đây, gia đình tôi dùng nước giếng đào, nhưng nước quá đục nên phải để lắng lọc qua một bể cát mới dám sử dụng. Nhưng nay thì khác, tôi chỉ cần vặn vòi là có nước trong vắt chảy ra. Quan trọng hơn là nguồn nước này đã được kiểm định, chứng nhận đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng nên tôi rất yên tâm.
Nhân vật bà Trần Thị Hiến nhắc tới trong câu chuyện chính là anh Hoàng Văn Biên, người có ý tưởng đầu tư, xây dựng công trình nước tự chảy nhằm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con trong xã. Gặp chúng tôi, anh Biên rất vui. Khi được hỏi về ý tưởng làm công trình nước sạch, anh Biên chia sẻ: Người dân ở đây thường dùng nước giếng đào nhưng nước hay bị đục vào mùa mưa và cạn vào mùa khô. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy trên địa bàn xã có một số mạch nước ngầm chảy mạnh, ổn định quanh năm và rất trong nên đã nảy ra ý tưởng đầu tư xây dựng một công trình nước tự chảy. Trên cơ sở sự đồng thuận của chính quyền, sự nhất trí cao của người dân, năm 2018, công trình chính thức được khởi công với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng. Trong đó, bà con đóng góp 800 triệu đồng; gia đình tôi bỏ vốn 500 triệu đồng. Được sự tin tưởng của người dân, tôi được giao chịu trách nhiệm chính trong việc thi công và quản lý công trình.
Theo đó, anh Biên đã đào 2 giếng để khai thác các mạch nước nằm cách mặt đất 5m, sau đó khoanh vùng, kè đá quanh giếng. Đồng thời, anh xây bờ xung quanh, bắn mái tôn che đậy kín mặt giếng, tránh nước mặt, rác, lá cây rơi xuống. Hai giếng nước này có tổng dung tích 150m3. Bên cạnh đó, anh xây 1 bể chứa có dung tích 50m3, lắp đặt hệ thống đường ống chính dài 20km chạy đến các xóm có người dân ký hợp đồng sử dụng nước. Nhằm đảm bảo an ninh, quản lý tốt công trình cũng như đề phòng các hành vi của kẻ xấu gây ảnh hưởng tới nguồn nước, anh Biên còn đầu tư thêm 2 camera giám sát đặt tại giếng và bể chứa nước. Ngoài ra, các hộ dân đều được lắp đặt đồng hồ đo bên ngoài nhà ở nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm đếm, tránh thất thoát nước.
Để công trình phát huy được hiệu quả như hiện nay, trước khi công trình đưa vào sử dụng, anh Biên đã tiến hành họp bàn tất cả các hộ dân có nhu cầu sử dụng nguồn nước để thống nhất về cách thức quản lý và sử dụng, thông báo về phí sử dụng nước (5.500 đồng/m3), đồng thời thành lập Tổ quản lý nước gồm 3 người, do anh làm Tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ thu tiền phí sử dụng nước của từng gia đình, thường xuyên phát quang, cọ rửa bể chứa nước và sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước khi có sự cố xảy ra. Theo quy định, tổng tiền phí sử dụng nước của người dân nộp hàng tháng sẽ được sử dụng để duy tu bảo dưỡng công trình và trả công cho Tổ quản lý.
Đánh giá về mô hình nói trên, ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình quản lý, vận hành hệ thống nước tự chảy tại xóm Bầu 2 đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh tới nhiều hộ dân tại địa phương, đặc biệt là các hộ dân ở khu vực xa trung tâm xã. Tuy vậy, để công trình phát huy được hiệu quả bền vững, cùng với việc triển khai các giải pháp quản lý, khai thác công trình, Tổ quản lý cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước. Còn ông Vương Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việc xã hội hóa trong cung cấp nước sạch nông thôn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm sát sao tới việc vận hành, khai thác, quản lý của công trình theo đúng giấy phép, qua đó, đảm bảo việc cung cấp nước bền vững, chất lượng cho người dân…